Ông Nguyễn Quốc Đạt - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, trong chăn nuôi, giá thức ăn chiếm tỷ trọng rất lớn, đối với con heo khoảng trên 70% giá thành sản xuất, gia cầm tiền thức ăn chiếm gần 80% giá thành và đại gia súc khoảng trên 50%.
Như vậy việc biến động giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian vừa qua nhất là từ năm 2021 đến nay, theo thông báo của các nhà máy sản xuất lớn trên toàn quốc đã 17 lần tăng giá, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng 6 lần đã gây ra nhiều khó khăn cho người chăn nuôi. Nếu so với đầu năm 2021 thì giá thức ăn hiện nay đã tăng lên từ 50% đến 60%.
Trong khi đó giá của sản phẩm chăn nuôi có tăng nhưng không tương xứng với sự tăng giá của thức ăn, nên gần 3 năm nay chăn nuôi gia cầm bị lỗ rất nhiều, chăn nuôi heo đến gần đây mới có sự chuyển biến một chút nhưng do giá thức ăn tăng nóng nên không mang lại lợi nhuận.
Hiện nay ngành chăn nuôi phải nhập khẩu trên 90% nguồn cung đạm, do trong nước không có ưu thế sản xuất nguồn thức ăn đạm động vật.
Trước đây, ngành chăn nuôi còn nhỏ lẻ nhu cầu đạm không cao nên nguồn cung trong nước có thể đáp ứng được từ 20% - 30%. Khi ngành chăn nuôi phát triển mạnh tăng trưởng của ngành sản xuất thức ăn tăng từ 13% - 15%/năm thì phần lớn là phải nhập khẩu.
“Khoảng 2 đến 3 năm trước hiệp hội có trên 3 triệu hộ chăn nuôi heo hiện chỉ còn hơn 2 triệu hộ. Đối với gia cầm càng khó khăn hơn, có những công ty quy mô lớn, chăn nuôi khép kín cũng gặp nhiều khó khăn trong tháng qua. Hiệp hội đã có đến 1/3 hội viên đang treo chuồng, đó là điều rất đau lòng.
Thời gian qua ngành chăn nuôi phát triển từ 3% - 5%/năm, nhưng hiệu quả mang đến cho xã hội đang dần tập trung sang các công ty FDI cũng như các tập đoàn chăn nuôi lớn.
Tại tọa đàm “ILDEX Việt Nam 2022 - cánh cửa bước vào thị trường Đạm động vật Việt Nam”, do công ty Minh Vi phối hợp cùng Công ty triển lãm châu Á Thái Bình Dương (VNU) tổ chức, việc tận dụng các nguồn protein là các phụ sản phẩm của nền kinh tế sẽ giúp cho ngành chăn nuôi giảm thiểu được những khó khăn.
Ví dụ, đối với sản xuất thức ăn truyền thống có những nguồn protein từ động vật như bột cá, bột thịt, bột xương phụ phẩm từ chế biến súc sản và đạm đậu nành…, đặc biệt thời gian gần đây với sự phát triển công nghiệp chế biến có thêm nguồn protein từ bã dầu cọ, bã dầu hạt cải…sẽ góp phần giảm các nhu cầu protein động vật.
Ngoài ra, thế giới đang có xu hướng sử dụng protein từ đạm đơn bào, từ côn trùng … đây sẽ là những nguồn cung protein thay thế phát triển trong tương lai đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Còn theo TS. Nguyễn Quang Thiệu - Phó trưởng khoa Chăn nuôi thú y trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, trong bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng và khan hiếm là một vấn đề nhức nhối của các nhà sản xuất và các nhà chăn nuôi.
Thứ nhất, ngoài các nguyên liệu là nguồn cung đạm, cung năng lượng truyền thống sắp tới ngành chăn nuôi sẽ có nhiều nguồn phụ phẩm có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi giúp giảm giá thành thức ăn chăn nuôi.
Thứ hai, giảm hao hụt từ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Một nhà máy lớn việc giảm hao hụt trong quá trình sản xuất có thể khống chế khá tốt, nhưng ở các nhà máy nhỏ giảm hao hụt ở mức trung bình là một vấn đề lớn. Nếu các nhà máy có thể kéo giảm được tỷ lệ hao hụt trong quá trình sản xuất sẽ làm cho giá thành thức ăn chăn nuôi rất cạnh tranh.
Với ông Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc kỹ thuật Công ty Evonik Animal Nutrition - Cộng hòa Liên bang Đức, để hạ được giá thành thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng rất mạnh như hiện nay thì xu hướng chung là sử dụng các nguyên liệu thay thế có giá thành rẻ hơn. Để làm được việc này cần phải sử dụng các nguồn axit amin bổ sung và hiện nay nguồn này có rất nhiều.
Ngoài ra, người chăn nuôi cần phải thay đổi quan niệm thức ăn cao đạm là thức ăn tốt, với Evonik Animal Nutrition thức ăn cân bằng axit amin đáp ứng được nhu cầu của vật nuôi ở từng giai đoạn phát triển mới đạt được hiệu quả cao hơn, qua đó giúp giảm giá thành thức ăn chăn nuôi nhiều hơn thay vì chạy theo thức ăn chăn nuôi cao đạm.