Giải quyết thiếu hụt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá "bình dân" thế nào?
Dự kiến Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì diễn ra ngày 17/2. Trước thềm hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP.Invest đề xuất nhiều phương án giải quyết vấn đề chênh lệch giữa cung - cầu và các loại hình sản phẩm bất động sản.
Theo nghiên cứu của Chủ tịch GP.Invest, hiện nay sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại ở mức giá hợp lý đang thiếu hụt. Để giải quyết sớm bài toán cung – cầu, trước tiên cần phải giải quyết được việc chuyển đổi các dự án có “đất khác” sang đất ở. Ngoài ra, cần tập trung đẩy mạnh việc cải tạo chung cư cũ và có kế hoạch cụ thể cho chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP.Invest |
Về cải tạo chung cư cũ, ông Hiệp phân tích kể từ khi có Nghị định 69/2021, công việc này đã có được bước tiến dài nhưng kết quả cụ thể đến nay vẫn còn quá ít. Chỉ mới có một số chung cư cũ nguy hiểm cấp D có kế hoạch cải tạo xây dựng lại còn lại hầu hết vẫn đang phải chờ đợi. Đây chắc chắn sẽ là nguồn cung lớn cho nhà ở phân khúc hợp lý với người tiêu dùng đồng thời góp phần cải tạo chỉnh trang bộ mặt đô thị…
Cũng theo người đứng đầu GP.Invest, vấn đề vướng mắc nhất là quy hoạch và mật độ dân số bị hạn chế khi cải tạo lại nên không đáp ứng được yêu cầu đền bù của người dân (hệ số K) và yêu cầu hiệu quả kinh doanh của Chủ đầu tư. Để giải quyết vấn đề này, cần có những quyết sách riêng cho từng trường hợp cần linh hoạt giải quyết.
Bên cạnh đó vấn đề lựa chọn Chủ đầu tư, tạo điều kiện để các chủ đầu tư có đủ năng lực tiếp cận dự án cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền đưa thành tiêu chí cụ thể thậm chí nhiệm vụ kế hoạch hàng năm của thành phố thì mới nhanh chóng có kết quả.
Đối với chỉ tiêu 1 triệu căn nhà xã hội đến năm 2030, ông Hiệp cho rằng cần có một quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội như đề xuất của Bộ Xây Dựng mới đây nhưng không chỉ dùng để hỗ trợ tín dụng cho dự án nhà ở xã hội mà nên có một phần dành cho các địa phương để tập trung hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cho các dự án nhà ở xã hội.
Trước đó là vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phải lựa chọn các khu nhà ở xã hội tập trung ở vị trí quy hoạch hợp lý rồi sử dụng quỹ này đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tập trung sau đó mới lựa chọn Chủ đầu tư thì sẽ chủ động được kế hoạch và đồng thời cũng tăng tính hấp dẫn của các dự án nhà ở xã hội đối với các Chủ đầu tư. Ngoài ra, các thể chế quy định về tiêu chuẩn nhà ở xã hội, trình tự các bước làm dự án nhà ở xã hội, tiêu chuẩn và chế độ cho người mua nhà ở xã hội cũng cần cập nhật lại và đơn giản hoá theo điều kiện biến đổi của thị trường (kể cả đơn giá thi công nhà ở xã hội).
Dự án Tràng An Complex của GP.Invest |
Được mệnh danh là "máy in tiền", ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP.Invest gây dựng được cơ ngơi đồ sộ cho GP.Invest. Hiện vốn chủ sở hữu của GP.Invest đã vượt 1.800 tỷ đồng, so với con số khiêm tốn 65 tỷ đồng lúc mới thành lập.
Nhắc đến tên tuổi của GP.Invest không thể không nhắc đến các dự án nổi tiếng được thị trường đánh giá cao và được các tổ chức trao nhiều giải thưởng “Dự án khu nhà ở đáng sống nhất” như Tràng An Complex (Cầu Giấy – Hà Nội); Minori Village (Hai Bà Trưng – Hà Nội) và gần đây nhất là The Nine Tower (Cầu Giấy – Hà Nội).
Hiện nay, GP.Invest đang mở rộng hoạt động sang các địa bàn ngoài Hà Nội. Các dự án mà doanh nghiệp này đang triển khai như dự án Palm Manor ở Việt Trì – Phú Thọ với mức đầu tư khoảng 3.270 tỷ đồng; 01 dự án toà văn phòng ở Xuân Phương, Từ Liêm Hà Nội; 03 dự án khu đô thị Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Yên và 01 dự án nhà ở tại TP Hồ Chí Minh, 01 dự án Cụm công nghiệp ở Hải Dương. Như vậy tạm tính tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.