Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã bắt đầu giải ngân và có dư nợ tín dụng. |
Tại Bắc Giang, có 2 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và 10 nhà xã hội dành cho công nhân. Cụ thể: Khu nhà ở xã hội số 2 tại Khu số 5, số 9 thuộc khu đô thị phía Nam TP. Bắc Giang; Dự án Khu nhà ở xã hội tại Khu số 1 thuộc Khu đô thị mới cạnh trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn, xã Dĩnh Trì, TP. Bắc Giang.
10 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân bao gồm: Dự án Khu nhà ở xã hội Vân Trung, xã Vân Trung, huyện Việt Yên; Nhà ở công nhân khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên; Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên;
Khu nhà ở xã hội thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng; Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân xã Quang Châu, huyện Việt Yên; Khu nhà ở xã hội tại thôn Nam Ngạn, xã Quang Châu, huyện Việt Yên; Dự án Khu nhà ở xã hội tại thôn Nam Ngạn, xã Quang Châu, huyện Việt Yên;
Nhà ở xã hội dành cho công nhân lô CT3, CT4 tại Khu đô thị mới thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên; Khu nhà ở công nhân xã Vân Trung, huyện Việt Yên; Khu nhà ở xã hội số 1 tại Khu đô thị và nhà ở xã hội Vân Trung, huyện Việt Yên.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với dự án nhà ở xã hội tại Khu dân cư Lan Anh 7 mở rộng (Lan Anh 7B), tại xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức do Công ty TNHH Lan Anh làm chủ đầu tư. Trong đó, nhu cầu vay vốn của chủ đầu tư là 150 tỷ đồng.
Tại Trà Vinh có 2 dự án: Nhà ở xã hội Khu tái định cư, dân cư và dịch vụ thương mại phường 4, thành phố Trà Vinh; Nhà ở xã hội Khu Công nghiệp Long Đức. 2 dự án này có nhu cầu vay vốn 420 tỷ đồng.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội với lãi suất 8,7%/năm áp dụng cho chủ đầu tư và 8,2%/năm cho người mua nhà.
Ngoài ra, có 3 tỉnh Bình Định, Phú Thọ và Bà Rịa - Vũng Tàu đã công bố 9 dự án nhà ở xã hội. Các địa phương cấp phép xây dựng các dự án cũng sẵn sàng được các tổ chức tín dụng cho vay. Đến nay, đã có một số ngân hàng như BIDV, Argibank bắt đầu cho vay trong gói tín dụng này.
Tại Hội nghị mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế vĩ mô và bám sát chỉ đạo của Chính phủ để điều hành linh hoạt, duy trì thanh khoản tốt để sẵn sàng nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng cấp tín dụng.
Tính đến 27/6, tín dụng tăng 4,03% và tăng 9,08% so với cùng kỳ. Đặc biệt, cơ cấu tín dụng, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, đáng chú ý là tín dụng cho tiêu dùng BĐS trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%.
Như vậy cho thấy tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư BĐS là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp, bởi vậy việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá BĐS cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực BĐS.
Thống đốc nhấn mạnh, tăng tiếp cận tín dụng đang là vấn đề được quan tâm, về phía điều hành, NHNN đã và sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp.