Hà Nội bàn giao mặt bằng làm đường Vành đai 4 vào cuối năm 2023
Công việc khó khăn nhất của dự án Vành đai 4 qua Hà Nội là giải phóng mặt bằng |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 16 của Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội.
Tuyến đường có tổng chiều dài 112,8 km, qua 3 tỉnh, thành gồm Hà Nội (58,2 km), Hưng Yên (19,3 km), Bắc Ninh (25,6 km) và tuyến nối khoảng 9,7 km.
Dự án được chia thành 3 nhóm với 7 dự án thành phần, bao gồm 3 dự án giải phóng mặt bằng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song và 1 dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc. Nhu cầu sử dụng đất hơn 1.300 ha. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường áp dụng thu phí tự động không dừng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.800 tỷ đồng, chuẩn bị đầu tư năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026, khai thác năm 2027.
Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm hơn 19.380 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 22.470 tỷ đồng (Hà Nội hơn 19.470 tỷ, Hưng Yên 1.000 tỷ, Bắc Ninh 2.000 tỷ).
Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 hơn 14.500 tỷ đồng, bao gồm 8.790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 5.710 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp hơn 29.440 tỷ đồng.
Với Hà Nội, đường Vành đai 4 - vùng thủ đô là dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, góp phần giảm ùn tắc giao thông, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường và khu vực ngoại thành. Dự án còn giúp kết nối, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đường Vành đai 4 đi qua 7 quận, huyện của Hà Nội |
Tuyến đường đi qua 7 quận, huyện gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín. Do đó, khối lượng công việc liên quan công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ thi công dự án rất lớn.
Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo 7 nhóm nhiệm vụ để bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ công tác giải phóng mặt bằng cho đường Vành đai 4 - vùng thủ đô.
Lãnh đạo TP Hà Nội nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án đến người dân. Ban Thường vụ Thành uỷ cũng chỉ đạo thống nhất chính sách về bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng, bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi.
Xử lý trách nhiệm nếu sai tiến độ
Về tiến độ cụ thể, các huyện hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trước quý 2/2023, các quận, huyện tổ chức bàn giao 60-70% diện tích đất giải phóng mặt bằng xong trước quý 3/2023 và bàn giao toàn bộ phần diện tích còn lại trong quý 4/2023.
Ban Thường vụ Thành ủy giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Cán sự đảng UBND TP, Đảng đoàn HĐND TP, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo Ban Thường vụ các quận ủy, huyện ủy gồm Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín thành lập Tổ công tác cấp huyện do Bí thư cấp ủy làm tổ trưởng, Chủ tịch UBND quận, huyện làm tổ phó, thành lập bộ phận tiếp công dân chuyên trách phục vụ dự án từ thành phố đến các xã, phường, thị trấn.
7 quận, huyện cũng có trách nhiệm ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung công việc thuộc trách nhiệm của địa phương. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cá nhân, phòng, ban, ngành, các xã, phường nơi có dự án đi qua.
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng để ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Định kỳ giao ban kiểm điểm tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.