Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023
Ngày 12/1, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô tổ chức hội thảo: “Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng năm 2023: Đổi mới nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng”.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng nhóm nghiên cứu của CIEM đánh giá, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đạt kết quả ấn tượng như GDP tăng 8,02%, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu cũng được đánh giá tích cực.
Tuy nhiên, từ quý 4/2022, tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chững lại. Tình trạng thiếu đơn hàng, dẫn đến thiếu việc làm đã diễn ra tại nhiều doanh nghiệp. Đáng quan ngại, tác động này không chỉ dừng lại mà có thể kéo dài đến những tháng đầu năm 2023.
Toàn cảnh hội thảo |
Phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Dựa trên những phân tích tình hình kinh tế thế giới và trong nước, báo cáo của CIEM đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023.
Sáng nay (12/1), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố dự báo triển vọng kinh tế 2023, với hai kịch bản.
Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47%, xuất khẩu tăng 7,21, lạm phát ở mức 4,08%.
Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,83%, xuất khẩu tăng 8,43%, lạm phát ở mức 3,69%.
Còn theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ hướng đến năm nay, tăng trưởng GDP ở mức 6,5%.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc đáng kể vào tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội khi mà năm 2023 là năm cuối cùng của Chương trình (nếu không có gia hạn).
“Chất lượng của Chương trình sẽ phụ thuộc đáng kể vào hiệu quả các nhiệm vụ về cải cách thể chế kinh tế, nhằm sớm tạo không gian mới cho phục hồi tăng trưởng”, ông Dương nêu.
Ngoài ra, nếu nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể có điều kiện thuận lợi để tiếp tục cải cách và thúc đẩy các biện pháp tài khóa, tiền tệ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế.
“Cần đẩy mạnh khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại, công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD...”, ông Dương khuyến nghị.
Những bài học quan trọng
So với các năm trước, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bên ngoài như khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể virus corona và các dịch bệnh mới, mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt nhằm xử lý áp lực lạm phát hay gia tăng cạnh tranh địa chính trị.
Tuy vậy, Việt Nam đã trải qua một năm 2022 với những thành tựu tương đối ấn tượng ở nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội trong bối cảnh bất định, phức tạp, khó lường. Từ đánh giá thực trạng, báo cáo Trưởng nhóm nghiên cứu của CIEM đã tổng kết, và đưa một số bài học quan trọng.
Thứ nhất, việc nhận định, đánh giá và dự báo tình hình cần được thực hiện thường xuyên, kịp thời, và hiệu quả nhằm đề ra những giải pháp, kể cả chuyển hướng chính sách, một cách có trọng tâm, linh hoạt và thực dụng.
Thứ hai, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sẽ khó bền vững nếu chỉ dựa vào các giải pháp tài khóa và tiền tệ. Việt Nam không thể tách rời các cải cách kinh tế vi mô khỏi các nhiệm vụ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài.
Thứ ba, dù đã có nhiều kinh nghiệm, Việt Nam không nên và không thể chỉ dựa vào nghệ thuật điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để “ứng phó” với các bất định, rủi ro ở bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước. Thay vào đó, Việt Nam càng phải kiên định với định hướng nâng cao năng lực nội tại, mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
“Việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động”, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.