Không khó để nhận thấy, các nữ doanh nhân điều hành công ty rất giỏi, mang về lợi nhuận khủng cho doanh nghiệp. Một trong số đó có thể kể đến là bà Mai Kiều Liên, thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vinamilk; bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT REE; bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc VietJet.
Bà Mai Kiều Liên, thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vinamilk
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2022, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã CK: VNM) đã chi khoảng 23,19 tỷ đồng tiền thù lao của Hội đồng quản trị. Trong đó, bà Mai Kiều Liên - thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc nhận mức thù lao hơn 2 tỷ đồng cho vị trí thành viên HĐQT, giảm 51 triệu so với năm 2021.
Ngoài ra, bà Liên còn nhận lương 366 triệu đồng/tháng cho vị trí Tổng giám đốc. Tổng cộng, trong năm 2022, Vinamilk trả cho bà Liên gần 6,5 tỷ đồng tiền thù lao HĐQT và lương Tổng giám đốc, tương đương mỗi tháng bà nhận hơn 538 triệu đồng.
Thù lao của bà Mai Kiều Liên |
Sinh ra tại Pháp và được đào tạo bài bản ở Nga, bà Mai Kiều Liên trở về và gắn bó với Vinamilk từ những ngày đầu thành lập, tiền thân là Công ty Sữa - Cà phê Miền Nam vào năm 1976.
Từ công việc ban đầu là kỹ sư, bà Mai Kiều Liên được tín nhiệm giao vị trí Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay. Năm 2003, khi Vinamilk được cổ phần hoá, bà kiêm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Bà từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng Nikkei châu Á lần thứ 20, 1 trong 48 nữ doanh nhân có thành tích xuất sắc nhất khu vực châu Á năm 2014, top 50 nữ doanh nhân quyền lực tại châu Á.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng Giám đốc Vietjet
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietiet cũng là một trong những nữ doanh nhân Việt Nam nhận mức lương, thù lao khủng. Tại báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022 của Công ty Cổ phần Hàng không VietJet, tổng chi lương, mức thù lao cho các thành viên HĐQT doanh nghiệp này trong kỳ hơn 2,68 tỷ đồng; ban tổng giám đốc và kế toán trưởng nhận về mức lương, thù lao là gần 4,64 tỷ đồng. Ước tính, mỗi thành viên HĐQT của VJC nhận lương và thù lao trung bình 111,8 triệu đồng/tháng/người; ban tổng giám đốc và kế toán trưởng nhận trung bình 128,8 triệu đồng/tháng/người.
Đảm nhiệm hai vị trí Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc, bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhận được lương và thù lao trung bình khoảng 240,6 triệu đồng/tháng trong quý IV/2022.
Thù lao của VJC cho nhân sự quản lý chủ chốt |
Trong năm 2022, VJC đã thực hiện vận chuyển 20,5 triệu lượt khách trên 116 ngàn chuyến bay, vận tải hành khách nội địa tăng trưởng 20% so với 2019 và là nhân tố chủ chốt dẫn dắt sự phục hồi. Vận tải hành khách quốc tế tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực và dự kiến sẽ hồi phục hoàn toàn trong năm 2023.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT REE
Tiếp theo phải kể đến là bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE. Bà Thanh đã nhận được lương và thù lao trong năm 2022 là 4,23 tỷ đồng, tương đương mỗi tháng bà Thanh nhận được hơn 353 triệu đồng/tháng. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này cao hơn năm trước 360 triệu đồng.
Thù lao của bà Nguyễn Thị Mai Thanh |
Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, REE đạt tổng doanh thu cả năm 9.377 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thếu đạt 3.515 tỷ đồng trong khi đó, tổng nợ giảm từ 15.469 tỉ đồng hồi đầu năm xuống còn 14.700 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, bà Nguyễn Thị Mai Thanh sinh ngày 25/12/1952 tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Tốt nghiệp chuyên ngành Cơ khí, mảng Điều hòa không khí, bà lập gia đình với một tiến sĩ hoá học người Việt tại Đức rồi cùng chồng trở về nước. Sau đó, bà trở thành kỹ sư của Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh (TP. Hồ Chí Minh).
Năm 1992, với cương vị là người lãnh đạo, bà Mai Thanh đã dẫn dắt xí nghiệp thực hiện cổ phần hoá và trở thành một trong những công ty cổ phần đầu tiên có vốn Nhà nước, vốn của cán bộ công nhân viên và vốn nước ngoài. Năm 1993, Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) được thành lập.