Hết tin nhắn rác đến "khủng bố qua điện thoại", làm sao ngăn chặn?
Mỗi tháng chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác
Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong phiên chất vấn sáng 4/11, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhắc lại tại nhiệm kỳ trước đã chất vấn Bộ trưởng về việc xử lý sim rác nhưng đến nay vẫn còn tình trạng sim rác. Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao đến nay vẫn tồn tại sim rác và giải pháp?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm rất quyết liệt loại 22 triệu sim không đầy đủ, việc này tiến hành làm trong gần 3 năm. Bộ đã thanh tra toàn diện và nhắc nhở cụ thể xem xét trách nhiệm của từng đơn vị doanh nghiệp viễn thông. Bộ nhận trách nhiệm về vấn đề này và tiếp tục có những giải pháp để làm tốt hơn.
"Vấn đề sim rác nếu nói là xử lý triệt để sim rác với nghĩa là bằng 0 thì trong cuộc sống khó có thể làm được, mà vẫn còn đó những tồn tại nhưng phải hạn chế, đưa về mức có thể chấp nhận được", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bộ trưởng cũng cho hay từ nay đến cuối năm sẽ tổng thanh tra các nhà mạng liên quan đến chuyện một người nhiều sim. Ngoài ra việc xử lý sim rác gắn với đăng ký thông tin chính chủ, kết nối, đối chiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để có căn cứ xác định thông tin đăng ký là chính xác.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) - Ảnh: Quốc hội |
Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu thực tế, hiện nay có một vấn đề "khủng bố qua điện thoại", có cả tin nhắn và điện thoại trực tiếp liên quan đến đòi nợ thuê, quảng cáo còn khá là phổ biến, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.
"Vậy Bộ trưởng có giải pháp hiệu quả như thế nào để chấm dứt tình trạng trên trong thời gian tới?", đại biểu đặt câu hỏi.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, từ đầu năm 2022 đến nay, mỗi tháng Bộ và các công ty viễn thông nhận được khoảng 30.000 phản ánh của người dân và 88% trong số đó liên quan đến các số điện thoại rác hoặc khủng bố.
"Với tin nhắn rác do chúng ta dùng công nghệ xử lý nên chùng xuống và mỗi tháng chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác. Các mẫu tin nhắn rác lên tới 400.000 để các nhà mạng chia sẻ nhau cùng chặn", Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, sau khi vấn đề tin nhắn rác chùng xuống, lại nổi lên vấn đề điện thoại. Ở Mỹ số lượng người dân nhận các cuộc điện thoại không liên quan gấp 3 lần Việt Nam, còn Việt Nam hiện tương đương Indonesia.
Để giải quyết việc này, gần đây Bộ đã công bố số điện thoại mà người dân có thể nhắn tin, gọi điện phản ánh các cuộc gọi này. Sau khi nhận sẽ chuyển nhà mạng hoặc chuyển công an xử lý.
Cùng với đó, Bộ trưởng cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần sử dụng công nghệ bởi đối tượng cũng dùng công nghệ. Theo đó, Bộ đã chỉ đạo các nhà mạng phát triển công nghệ để chặn các cuộc gọi rác và mỗi tháng chặn 30.000-40.000 số điện thoại phát tán thông tin rác, trong đó có đe dọa. Số xử lý những tháng gần đây tốt hơn, tăng khoảng 30% so với năm ngoái.
Tại sao thông tin cá nhân của công dân bị lọt ra ngoài để kẻ xấu khai thác?
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) nêu thực trạng gần đây nhiều người dân nhận được các cuộc gọi thông báo mình đã vi phạm pháp luật một số lĩnh vực như giao thông, xây dựng… và yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản hoặc chịu khoản nộp phạt, nếu không thì sẽ chuyển cơ quan điều tra khởi tố.
"Vấn đề ở đây là tại sao những kẻ lừa đảo này lại biết chính xác tên tuổi, địa chỉ nơi làm việc, thậm chí là cả chức danh, chức vụ của người dân", đại biểu nêu băn khoăn và cho rằng, bằng cách nào đó thông tin cá nhân của công dân đã bị lộ lọt để cho những kẻ xấu khai thác. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình và giải pháp khắc phục?
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) - Ảnh: Quốc hội |
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lý giải, nguyên nhân của vấn đề này có cả nguyên nhân kỹ thuật và nguyên nhân phi kỹ thuật.
Trong đó, nguyên nhân kỹ thuật là một số tổ chức, doanh nghiệp thu thập thông tin cá nhân chưa đảm bảo an toàn, bị hacker tấn công lấy cắp dữ liệu. Hiện nay trên chợ đen bán dữ liệu Việt Nam, theo báo cáo của ngành công an có đến 1.300 GB, tính ra hàng tỷ thông tin.
Còn có nguyên nhân phi kỹ thuật, đó là người dân dễ dãi trong việc cung cấp thông tin của cá nhân mình. Cũng có việc một số doanh nghiệp quản lý nội bộ kém để cho nhân viên dữ liệu lấy thông tin của doanh nghiệp bán ra bên ngoài.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành một bộ cẩm nang về an toàn thông tin, trong đó có một nội dung rất quan trọng về cách thức để người dân bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình.
Hiện nay, Bộ cũng đã xây dựng một cơ sở dữ liệu về lộ, lọt thông tin thông qua các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế. Hiện có 120 triệu thực thể thông tin có thể bị lộ lọt, người dân có thể tra cứu để biết mình có bị lộ lọt thông tin không.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, một trong những giải pháp rất tốt là đề nghị các cơ quan nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp có dịch vụ chăm sóc khách hàng khi muốn tiếp cận người dân, khách hàng thì làm việc với nhà mạng để hiện tên chứ không hiện số điện thoại.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý một số vụ mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân để răn đe, truyền thông rộng rãi và thanh tra các nhà mạng toàn diện về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân.