(Ảnh minh hoạ) |
Sau ít phút giữ sắc xanh theo nhịp chung của thị trường khi mở cửa, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát nhanh chóng chuyển sang giảm điểm và có lúc đã giảm tới hơn 2%, đứng ở mức 21.350 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, đến phiên giao dịch buổi chiều 27/6, cổ phiếu HPG đã bật ngược trở lại và càng tăng mạnh vào cuối phiên theo đà tăng chung của VN-Index.
Kết phiên, HPG tăng 1.100 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 5% lên 22.900 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu HPG đứng đầu về giá trị giao dịch và đứng thứ 4 về mức độ tăng giá trong rổ chỉ số VN30, sau SSI, NVL và PNJ. Về mức độ đóng góp, phiên 27/6, HPG đóng góp 1,3 điểm số tới VN-Index.
Dù vậy, so với mức đỉnh ở tháng 10/2021 thì cổ phiếu này vẫn mất hơn 50% về thị giá và vốn hóa bốc hơi từ 130 nghìn tỷ đồng xuống 102 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 5 tỷ USD ở thời điểm hiện tại.
Đặc biệt, cổ phiếu HPG có chuỗi ngày giảm điểm mạnh kể từ khi Chủ tịch Trần Đình Long thẳng thắn cho biết về kế hoạch kinh doanh ảm đạm tại ngày Đại hội cổ đông 24/5 vừa qua. "Quý vị hãy đợi đến quý 2,3, hết năm sẽ thấy kết quả kinh doanh của Hòa Phát thê thảm thế nào và cũng hiểu vì sao tôi thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2022. Ngành thép năm nay sẽ khó khăn, không còn thuận lợi như trước", ông Long nói.
Cổ phiếu HPG đã có mức giảm từ mức 36.750 đồng của ngày 24/5 xuống 22.900 đồng ở thời điểm hiện tại, tương đương giảm 38%.
Diễn biến cổ phiếu HPG 1 năm trở lại đây |
Điều đáng quan tâm là cổ phiếu HPG tăng mạnh trong khi bối cảnh giá thép trên thị trường tiếp tục giảm. Ngày 27/6, tại khu vực miền Bắc, giá thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 được Hòa Phát thông báo giảm lần lượt là 150.000 đồng và 300.000 đồng/tấn để đứng giá tại mức 16,5 triệu đồng/tấn và 16,8 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, giá thép trên thế giới gần đây cũng liên tục giảm và xu hướng này vẫn đang tiếp tục khi mức hàng tồn kho ở Trung Quốc tăng cao do tác động của COVID và các tháng mùa mưa sắp diễn ra tại nước này.
Theo một số chuyên gia chứng khoán, giá cổ phiếu HPG và một số cổ phiếu trong nhóm VN30 tăng mạnh có thể đến vào thời điểm cuối quý 2/2022, là thời điểm chốt NAV của các quỹ đầu tư. Ngoài ra, các cổ phiếu thép là nhóm cổ phiếu có mức giảm mạnh so với thị trường chung trong thời gian vừa qua.
Rủi ro có thể đến nếu nhu cầu thép tăng chậm hơn so với dự kiến
Trong báo cáo phát hành vào tháng 6/2022, Công ty chứng khoán VNDIRECT đã đưa ra nhận định, cổ phiếu HPG thiếu động lực tăng giá trong ngắn hạn, ưa thích đầu tư dài hạn vào HPG. Thời điểm báo cáo được phát hành, HPG giá thị trường 34.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá hiện tại 17%. Giá mục tiêu được VNDIRECT đưa ra là 57.800 đồng/cổ phiếu, tương đương với đỉnh HPG đã từng đạt được.
Báo cáo cho biết lý do ưa thích đầu tư lâu dài vào HPG là nhờ (1) vị thế hàng đầu của HPG trong ngành thép Đông Nam Á sẽ giúp công ty hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng nội địa hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, (2) bảng cân đối kế toán lành mạnh của công ty với lượng tiền mặt dồi dào và (3) KLHDQ 2 sẽ giúp HPG tăng công suất sản xuất thép thô lên 14,6 triệu tấn/năm từ năm 2025, tăng 66% so với hiện nay.
Bên cạnh đó, thép cuộn cán nóng (HRC) - sản phẩm đầu ra chính của KLHDQ 2, vẫn đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung tại thị trường nội địa và phụ thuộc vào xuất khẩu, do đó những lo ngại về tình trạng dư cung thép của HPG trong giai đoạn 2025-2030 là thấp.
“Ngoài ra, các gói kích thích sau COVID-19 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cho sự phục hồi của nền kinh tế. Mặc dù tình hình giải ngân vốn đầu tư công đang diễn ra chậm (do giá vật liệu xây dựng cao), chúng tôi kỳ vọng tình hình này sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Nhờ sở hữu thị phần thép lớn nhất, HPG sẽ được hưởng lợi chính từ xu hướng này”, báo cáo cho biết.
Động lực tăng giá là các dự án mới (dự án nhôm, bất động sản và thiết bị gia dụng) để phát triển chuỗi giá trị. Rủi ro giảm giá là nhu cầu thép tăng trưởng chậm hơn dự kiến.