[Infographic] Mức lương cơ sở qua các năm thay đổi như thế nào?
Lương cơ sở là mức lương được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động và lực lượng vũ trang.
Theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 38/2019/NĐ-CP mức lương cơ sở dùng để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật; Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật và tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Từ năm 2004 đến 2019 lương cơ sở liên tục tăng, mức tăng giữa các năm không đều nhau. Tuy nhiên từ năm 2019, dịch COVID-19 bùng phát, nguồn dành để tăng lương phải dồn cho công tác chống dịch. Chính vì vậy, mức lương cơ sở giữ nguyên từ đó đến nay (1.490.000 đồng/tháng).
Mới đây, tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo về phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri sáng ngày 13/10/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng trả lời cử tri về việc triển khai cải cách tiền lương. Cụ thể, các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở 2023 của cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng.
Như vậy, nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua thì lương cơ sở 2023 của công chức sẽ tăng khoảng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành.
Có thể thấy, trong thời gian gần 20 năm qua, mức lương cơ sở đều tăng qua các năm, tuy nhiên nếu như mức lương cơ sở năm 2023 tăng như dự kiến lên 1,8 triệu đồng/tháng thì đây chính là mức tăng cao nhất được ghi nhận từ trước đến nay, với mức tăng thêm là 310.000 đồng.