Kiến nghị giảm 100% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
Ảnh minh họa |
Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản phản hồi, cho ý kiến với nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng dầu do Bộ Tài chính xây dựng.
Trước hết, VCCI cho rằng việc ban hành nghị quyết quy định về chính sách giảm thuế TTĐB với xăng và thuế VAT với xăng dầu, trao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định mức giảm cụ thể tùy điều kiện thực tế là cần thiết và cấp thiết.
Theo đó, quy định này sẽ tạo điều kiện để Quốc hội, Chính phủ phản ứng nhanh hơn, kịp thời hơn trong việc hạn chế các tác động tiêu cực của việc tăng giá xăng dầu đối với doanh nghiệp và nền kinh tế.
"Đây là kiến nghị đã được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phản ánh với VCCI trong thời gian qua", VCCI khẳng định.
Tuy nhiên, về lâu dài, VCCI cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục xem xét nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách miễn giảm toàn bộ thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng như VCCI đã nêu tại công văn số 0915/PTM-PC ngày 21/6/2022 với thẩm quyền của UBTVQH và đây có thể là phương án sử dụng trong trường hợp giá xăng trên thế giới tăng cao bất thường.
VCCI đánh giá chính sách giảm 50% thuế TTĐB như đề xuất hiện nay của Bộ Tài chính đã tích cực nhưng có thể phương án miễn giảm toàn bộ thuế TTĐB sẽ cần thiết trong bối cảnh thế giới có rất nhiều những yếu tố bất ổn có thể xảy ra trong thời gian tới.
Trước đó, như đã thông tin, trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế TTĐB đối với xăng và thuế VAT đối với xăng dầu gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm tối đa 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% thuế VAT đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu mỡ nhờn.
Theo Bộ Tài chính, để đảm bảo đồng bộ với mức giảm thuế VAT tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cơ quan này đã xây dựng 2 phương án và đề nghị UBTVQH quyết định mức giảm cụ thể; đồng thời đánh giá tác động trên cơ sở 2 phương án này.
Cụ thể, ở phương án 1, giảm 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 20% mức thuế VAT đối với xăng dầu. Thời gian áp dụng 06 tháng kể từ ngày Nghị quyết của UBTVQH có hiệu lực thi hành.
Phương án thứ nhất |
Đối với phương án 2, Bộ Tài chính đưa ra đề xuất giảm 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 50% mức thuế VAT đối với xăng dầu. Thời gian áp dụng 06 tháng kể từ ngày Nghị quyết của UBTVQH có hiệu lực thi hành.
Phương án thứ hai. |
Về việc áp thuế TTĐB đối với xăng, một số chuyên gia như TS. Bùi Trinh, LS. Trương Thanh Đức đã không ít lần lên tiếng do sự bất hợp lý của sắc thuế này với mặt hàng xăng dầu trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Bởi xăng dầu hiện là mặt hàng thiết yếu cả trong đời sống lẫn sản xuất.
Hơn nữa, sắc thuế TTĐB đang được tính theo công thức "thuế chồng thuế" nên khiến số tiền người dân phải gánh chịu càng tăng cao. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần sớm xóa bỏ thuế TTĐB đối với mặt hàng này.
Tuy nhiên, trước phản ứng của dư luận, trong các lần phản hồi, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, thuế suất thuế TTĐB của Việt Nam áp dụng đối với xăng hiện nay là trung bình thấp so với các nước, đặc biệt thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới như Lào, Campuchia, Trung Quốc.
Vì vậy, theo Bộ Tài chính, việc giảm mạnh các sắc thuế, trong đó có thuế TTĐB sẽ khiến xăng dầu trong nước rẻ hơn so với các nước trong khu vực, dẫn đến tình trạng xuất lậu, buôn lậu xăng dầu có thể gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường.