Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân 9 tháng năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước. Trên cơ sở này, Tổng cục Thống kê cho rằng dù áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm còn lớn song cả năm 2022 mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% hoàn toàn có thể đạt được.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, việc kiểm soát tốt lạm phát trong 9 tháng vừa qua giúp Việt Nam có dư địa để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra trong năm nay, nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố có khả năng tác động làm tăng CPI trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
LẠM PHÁT NĂM 2023 CÓ THỂ ĐẠT 4,5%
Nhận định về áp lực lạm phát những tháng cuối năm và năm 2023, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, lạm phát của Việt Nam vẫn chưa đạt đỉnh vì Việt Nam có độ trễ so với thế giới. Do đó, trong các tháng cuối năm lạm phát sẽ còn tăng và sang năm 2023 lạm phát sẽ còn cao hơn năm nay.
Phân tích rõ hơn, TS. Cấn Văn Lực cho biết, trên thế giới, đỉnh lạm phát sẽ tùy vào khu vực nhưng đà chung là đang có chiều hướng đã qua đỉnh. Tại châu Âu, lạm phát có thể sẽ còn tăng, đặc biệt là do cuộc khủng hoảng năng lượng và khí đốt.
Còn với Mỹ, lạm phát tháng 6 đạt đỉnh 9,1% so với cùng kỳ, nhưng sang tháng 7 còn 8,5% và tháng 8 còn 8,3%, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ hồi đầu năm là 10,1%, đến tháng 6 là 11,3%, tháng 7 bắt đầu giảm dần còn 9,8% và tháng 8 còn 8,7%, đặc biệt lạm phát lõi của Mỹ tháng 6 và 7 đều là 5,9%, tháng 8 tăng lên 6,3%. Như vậy có thể thấy tại Mỹ, giá cả năng lượng và lương thực thực phẩm đã bắt đầu giảm nhưng lạm phát lõi tăng do một số chi phí khác tăng như giá nhà, giá nguyên vật liệu, chi phí giao thông,…
“Tóm lại, tôi đánh giá lạm phát Mỹ đâu đó đã qua đỉnh", ông Lực nêu quan điểm.
Theo vị chuyên gia, để đánh giá về lạm phát, không thể chỉ nhìn vào CPI. Ông cho biết khi nghiên cứu về lạm phát Mỹ, châu Âu còn có thêm 2 chỉ số cần lưu ý tới là chỉ số PPI và chỉ số lạm phát lõi. PPI quan trọng không kém so với CPI, còn chỉ số lạm phát lõi được tính sau khi trừ đi giá cả năng lượng và lương thực thực phẩm.
“Việt Nam có công bố cả chỉ số lạm phát toàn thể cũng như lạm phát lõi (hay lạm phát cơ bản). Chỉ số này có thể giúp thấy rõ lạm phát là cho chi phí đẩy hay do yếu tố tiền tệ hoặc cả hai, để xem mức đóng góp của yếu tố này như thế nào. Qua đó, để có chính sách điều hành cho hợp lý, và xem xét có cần lo lắng, coi lạm phát là “con ngáo ộp” hay không. Theo tôi điều này rất quan trọng”, ông Lực nói.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia |
Phân tích về nguyên nhân lạm phát Việt Nam vẫn ở mức thấp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng có một số nguyên nhân. Thứ nhất là rổ hàng hoá tính CPI của Việt Nam khác. Thứ hai là Việt Nam làm khá tốt việc bình ổn giá xăng dầu và chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm.
“Hai mặt trận xăng dầu và lương thực, thực phẩm đóng góp rất lớn vào CPI, riêng về giá xăng dầu nó đẩy giao thông vận tải và một số lĩnh vực tăng lên. Theo tính toán của chúng tôi, 9 tháng đầu năm, 3 nhóm giao thông vận tải, lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng đã đóng góp tới 80-90% trong mức tăng của CPI. Do đó, khi khuyến nghị chính sách chúng tôi cũng khuyến nghị Chính phủ tập trung vào ba nhóm này”, ông Lực cho biết.
Theo ông Lực, Việt Nam đang có phần ngược với thế giới khi kiểm soát lạm phát tốt và tăng trưởng cao. Việt Nam đang làm tốt chuyện này nhưng năm tới sẽ nhiều thách thức hơn bởi vì năm tới kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng chậm lại, năm nay dự báo khoảng 3%, năm tới khoảng 2,5-2,7%. Như vậy chắc chắn tác động đến xuất khẩu của Việt Nam.
“Trên cơ sở đó, tôi cho rằng tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam khoảng 6,5-7%. Lạm phát năm nay có thể kiểm soát được ở mức dưới 4% nhưng lạm phát năm tới có để từ 4-4,5% do Việt Nam có độ trễ, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp hiện vẫn đang ở mức cao”, ông Lực dự báo.
Ở góc nhìn của cơ quan Thống kê, ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng áp lực lạm phát hiện nay rất lớn. Trong thời gian vừa qua Việt Nam đã có chính sách điều hành lạm phát rất tốt, các mặt hàng do Nhà nước quản lý thời gian qua không tăng, góp phần ổn định lạm phát. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ động được lương thực, thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn.
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong các năm trước giá thịt lợn đã tăng khá cao và 6 tháng đầu năm nay giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, xu hướng từ tháng 6 đến nay mức giảm đang bị thu hẹp dần và trong những tháng cuối năm cũng như sang năm sau giá thịt lợn sẽ tăng lên bằng các năm trước, kéo theo áp lực lạm phát tăng lên.
Bên cạnh đó, gói phục hồi của Việt Nam cũng bị trễ so với các nước (các nước đưa gói phục hồi và các chính sách tiền tệ hỗ trợ người dân sớm hơn khiến lạm phát tăng sớm hơn), “điểm rơi” sẽ tập trung vào năm 2023 nên lạm phát năm tới của Việt Nam dự báo sẽ tăng cao hơn năm nay.
“Hiện nay Tổng cục Thống kê đang dự báo mức lạm phát của năm 2023 khoảng 4,5%”, ông Hiếu cho biết.
KIỂM SOÁT GIÁ NĂNG LƯỢNG VẪN LÀ CHÌA KHÓA
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, nói về triển vọng kinh tế năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá bối cảnh tình hình năm tới vẫn là khó khăn, thách thức, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn thì nhiều hơn và thậm chí còn khó hơn.
Trong đó, Thứ trưởng cho rằng vấn đề sức ép lạm phát và tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2023 là vô cùng khó khăn. Vấn đề lạm phát toàn cầu, đặc biệt là lạm phát của các nền kinh tế lớn, các đối tác của Việt Nam khó có thể kết thúc trong 1-2 tháng tới, có thể kéo dài thêm và chắc chắn sẽ sang năm 2023.
“Lạm phát này qua phân tích của các chuyên gia tại các diễn đàn kinh tế vừa qua có thể thấy với các chính sách kiểm soát lạm phát mang tính cường độ rất cao của các nền kinh tế lớn thì rất dễ dẫn tới suy thoái kinh tế. Và để khắc phục tình trạng lạm phát cao dẫn đến suy thoái thì thời gian để phục hồi, phát triển và vượt qua không hề ngắn chút nào”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương |
Cùng với vấn đề lạm phát, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý xung đột Nga - Ukraine hiện nay chưa có dấu hiệu kết thúc. Cuộc xung đột này kéo theo một vấn đề rất đáng lo ngại là năng lượng.
“Kinh nghiệm vừa qua cho thấy khi cuộc xung đột nổ ra thì chúng ta rất vất vả trong điều hành giá xăng dầu cũng như lạm phát. Bối cảnh này khiến việc đoán định càng khó hơn là sẽ diễn biến theo chiều hướng nào cũng như cường độ, mức độ tăng giảm ra sao. Do vậy chúng tôi cũng dự báo đây là một nhân tố bất lợi trong năm 2023 đối với nền kinh tế nước ta”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Ông nhận định căng thẳng này nếu đẩy lên một mức độ cao hơn nữa có thể sẽ dẫn tới các hệ lụy vô cùng khó cho an ninh năng lượng, an ninh lương thực, nguồn cung hàng hóa.
“Đó là vấn đề chúng ta rất lo ngại và cần phải nắm chắc tình hình để có chính sách ứng phó kịp thời”, Thủ trưởng Phương khẳng định.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thu Oanh cho rằng để kiểm soát lạm phát, thời gian tới, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước, nhất là cần kiểm soát giá các loại nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, dần thay thế nguồn nhập khẩu…
Cùng với đó, theo bà Oanh cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.