Mô hình KCN chuyên ngành, công nghệ cao ra đời
Ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Thông tin được ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2022 diễn ra tuần qua.
Theo tham luận "Các mô hình KCN mới trong Nghị định 35/2022 của Chính phủ" của ông Trần Quốc Trung tại diễn đàn, hiện Việt Nam ghi nhận khoảng 85% KCN hoạt động theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực, 15% theo mô hình chuyên ngành, hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN đô thị dịch vụ. Hiện tại, Việt Nam chưa có KCN nào đạt chuẩn KCN sinh thái.
Nghị định 35 của Chính phủ ban hành cuối tháng 5 vừa qua đưa ra 2 mô hình mới là KCN chuyên ngành và KCN công nghệ cao; cùng đó, sửa đổi, bổ sung KCN sinh thái, và sửa đổi cụ thể hơn KCN mô hình dịch vụ.
Trên cơ sở thực hiện và phát triển 30 năm, Nghị định 35 đã xây dựng các quy định mới.
Theo đó, KCN - đô thị - dịch vụ gồm các khu chức năng công nghiệp, đô thị, dịch vụ. Trong đó, khu công nghiệp có chức năng chính, khu đô thị - dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung ứng dịch vụ, tiện ích công cộng và xã hội cho khu công nghiệp.
Nghị định lần này đưa ra quy định với các KCN đô thị dịch vụ phải đáp ứng yêu cầu không thuộc mức ô nhiễm 1 và 2 theo quy định pháp luật, khu vực đô thị không chiếm quá 1/3 KCN. Trong quá trình thi công kết cấu hạ tầng, có thể tách riêng các dự án, làm theo trình tự, thủ tục riêng. Nếu thực hiện tổng thể thì liên quan đến đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Nghị định 35 bổ sung thêm KCN chuyên ngành, đầu tư cho một ngành nghề nhất định. Đồng thời bổ sung thêm KCN công nghệ cao, thu hút thêm công nghệ cao, công nghệ thông tin với tiêu chuẩn đảm bảo thu hút, hỗ trợ đáp ứng 65% ngành nghề hỗ trợ.
Nghị định 35 cũng định nghĩa cụ thể hơn trên cơ sở các nhà đầu tư đăng ký, cam kết trong quá trình thực hiện kết cấu hạ tầng KCN. Nghị định bổ sung nhà đầu tư thực hiện/thành lập mới KCN phải đáp ứng các tiêu chí mới như cần dành ra tỷ lệ trong quy hoạch dự án để thu hút các ngành hỗ trợ, công nghệ cao.
Đồng thời, bổ sung trong nghị định các quy định kiểm tra giám sát sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư đảm bảo chủ đầu tư xây dựng như đăng ký hồ sơ.
Đối với KCN sinh thái, Nghị định 82 trước đó đã đưa ra nhận định về các vấn đề gặp phải trong các KCN. Việc sử dụng các nguồn tài nguyên (nguồn thải) rất lãng phí. Việc sản xuất, kinh doanh có ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư.
Nghị định 35 trình bày rõ hơn việc xây dựng KCN sinh thái, trong đó định nghĩa cụ thể hơn KCN sinh thái có các doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất sạch hơn và thực hiện cộng sinh công nghiệp, tức chất thải doanh nghiệp này là đầu vào doanh nghiệp khác và được tái sử dụng tuần hoàn theo kinh tế tuần hoàn hiện nay.
Thống kê đã chỉ ra nhiều lợi ích của KCN sinh thái như thực hiện cam kết môi trường, giảm thiểu rủi ro môi trường, giảm rủi ro sử dụng nguyên liệu nước, đáp ứng COP26, doanh nghiệp cải thiện sức khỏe người lao động, chia sẻ nguyên vật liệu trong sản xuất kinh doanh, cộng đồng dân cư có môi trường sống tốt đẹp hơn….
Nghị định 35 bổ sung UBND có các cơ chế, chính sách hỗ trợ hơn về chuyển giao công nghệ trong KCN đảm bảo cộng sinh công nghiệp, chính sách để Ban quản lý KCN có các đơn vị sự nghiệp cung cấp thông tin nhằm giúp các doanh nghiệp kết nối và thực hiện sản xuất sạch hơn.
Với các doanh nghiệp, KCN, Nghị định 35 đặt tiêu chí về tối thiểu 20% các doanh nghiệp trong KCN sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn…. Với chủ đầu tư hạ tầng thì tỷ lệ đất dành cho giao thông, cây xanh đạt 25%, so với tiêu chuẩn trước là 21%.
Đây là giải pháp cũng như tiêu chuẩn đặt ra để doanh nghiệp có thể xây dựng KCN sinh thái ngay từ ban đầu. Đồng thời, có các chính sách ưu đãi về tín dụng xanh, ưu đãi về hạ tầng, tín dụng xanh và trái phiếu xanh, cung cấp thông tin hỗ trợ và giúp doanh nghiệp chuyển giao công nghệ.