Giữa tháng 2, tôi có mặt tại một chi nhánh Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) tại Hà Nội để vay vốn ngân hàng nhằm mục đích trả nợ tiền mua căn hộ chung cư cách đây 2,5 năm. Nhân viên tư vấn cho hay, hiện tại TPBank chỉ hỗ trợ vay vốn thế chấp. Sau khi tôi đồng ý, nhân viên tư vấn gọi điện cho chuyên viên hỗ trợ tư vấn quá trình thực hiện hợp đồng vay vốn.
Chuyên viên này giải thích do gia đình tôi không phải hộ kinh doanh, đồng thời đã mua nhà trong thời gian xa (cách đây 2,5 năm) nên sẽ hỗ trợ thực hiện hợp đồng vay vốn tiêu dùng, gói thả nổi với lãi suất 15,3%/năm thời điểm hiện tại. Trong đó, thời gian vay tối thiểu 24 tháng.
![]() |
Hình ảnh tại một chi nhánh ngân hàng TPBank tại Hà Nội. |
Khi tôi đặt câu hỏi muốn giải ngân trong tháng 2 này có kịp không, nam nhân viên cho biết “sẽ kịp”. Tuy nhiên, để được sếp duyệt hợp đồng vay vốn và giải nhân sớm thì tôi cần phải mua 1 bảo hiểm phi nhân thọ “An tâm tín dụng” với mức phí 12 triệu đồng/năm hoặc 15 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, người mua không có thời gian cân nhắc để hủy hợp đồng bảo hiểm sau khi kí kết.
Nhân viên này cho biết cụ thể: “Hầu hết ngân hàng đều yêu cầu người vay vốn mua bảo hiểm…”. Sau đó, nhân viên này tỏ ra khá thông cảm cho phía khách hàng: “Mua bảo hiểm nếu chị làm kinh tế thì quy ra lãi suất cũng cao”.
Khi tôi bày tỏ nguyện vọng không có nhu cầu mua bảo hiểm do đang khó khăn kinh tế thì được nhân viên giải thích, nếu khách hàng không mua bảo hiểm thì khi trình hồ sơ lên sếp có khi phải trả lên xuống nhiều lần.
Khi tôi hỏi, ngoài việc mua bảo hiểm phi nhân thọ thì có cách nào để sếp duyệt hợp đồng vay vốn không? Lúc này, nam chuyên viên cho hay, tôi có thể “sử dụng sản phẩm bổ trợ của ngân hàng là số tài khoản đẹp với số tiền khoảng 12 triệu đồng”.
Tuy nhiên, nhân viên này dành cho tôi lời khuyên: “Em nghĩ là chị nên mua bảo hiểm. Bảo hiểm này có tác dụng trong thời gian mấy năm chị mua luôn. Ví dụ chị vay trong 24 tháng thì bảo hiểm có hiệu lực 24 tháng. Gói bảo hiểm này nhằm mục đích bảo vệ người vay để có khả năng chi trả tiền vay cho ngân hàng”.
![]() |
Chuyên viên ngân hàng tư vấn khách hàng vay vốn cần phát sinh hợp đồng bảo hiểm. |
Trong suốt quá trình tư vấn, tôi nhiều lần than thở với nhân viên ngân hàng này về thế khó của người vay vốn khi mang gánh nặng lo tiền trả nợ, lại mang theo nỗi lo trả tiền bảo hiểm khi đang khó khăn. Dù tỏ ra thông cảm nhưng nam nhân viên cho hay việc mua bảo hiểm phi nhân thọ mới giải ngân giống như quy định bắt buộc ngầm và cũng là chỉ tiêu của nhân viên ngân hàng.
Bộ Tài chính sẽ buộc ngân hàng lưu ghi âm tư vấn bảo hiểm, Ngân hàng nhà nước khẳng định việc mua bảo hiểm là tự nguyện
Bộ Tài chính cho biết đã đề xuất một loạt nội dung rất chặt chẽ tại dự thảo thông tư hướng dẫn nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.
Theo đó, để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, ngăn chặn việc ngân hàng ép khách vay phải mua bảo hiểm, tới đây các ngân hàng phải ghi âm và lưu ít nhất trong năm năm toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng. Đây là chứng cứ để xem xét nhân viên đại lý bảo hiểm tư vấn cho khách hàng có đúng, đầy đủ hay không.
Mặt khác, doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung cung cấp thông tin và tư vấn của nhân viên ngân hàng trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm. Bên cạnh đó, sắp tới một số khoản chi của bảo hiểm cho ngân hàng cũng sẽ được khống chế. Mục đích là hạn chế lợi nhuận trả cho ngân hàng khi tham gia hoạt động bán bảo hiểm.
Cùng với đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, ngân hàng không được bắt buộc khách phải mua bảo hiểm.
Ngoài ra, các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng cũng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm với ngân hàng và phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.