Ngân hàng Vietcombank (mã HOSE: VCB) hiện đang là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất trên thị trường chứng khoán và lọt vào top 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất thị trường năm 2022.
Mới đây, Vietcombank báo cáo tình hình hoạt động năm 2022 trong đó điểm đáng chú ý là quy mô tăng trưởng dư nợ tín dụng đứng đầu ngành ở mức 19% (xấp xỉ 183.000 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới 465%.
Thu nhập ngoài lãi tăng 9,2% so với năm 2021, hoàn thành 108,7% kế hoạch năm 2022.
Trong quý IV, nhà băng ghi nhận lãi trước thuế đạt 12.419 tỷ đồng tăng 51,9% so với cùng kỳ 2021. Đây là mức lãi kỷ lục trong một quý của Vietcombank và đóng góp 1/3 tổng lợi nhuận cả năm. Mức lãi này cũng vượt qua lợi nhuận cả năm của một số ngân hàng tư nhân lớn như Sacombank, TPBank, SHB, HDBank, VIB.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 14.809 tỷ đồng, con số này đã mang lại 79,4% tổng doanh thu của Vietcombank trong quý IV. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng nhẹ 1,3%, mang về cho ngân hàng 1.188 tỷ đồng. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần tăng 3,9% lên hơn 32 tỷ đồng. Mảng chứng khoán đầu tư giảm lỗ từ mức 85 tỷ đồng trong quý IV/2021 xuống còn 2 tỷ đồng.
Lợi nhuận lũy kế cả năm đạt gần 37.359 tỷ đồng, tăng 35,9% so với năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra hồi đầu năm. Lợi nhuận sau thuế đạt mức 29.892 tỷ đồng
Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất của Vietcombank |
Với con số này, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận toàn hệ thống trong năm thứ 5 liên tiếp, bỏ xa hai nhà băng đứng kế sau là Techcombank (25.600 tỷ) và BIDV (23.058 tỷ đồng).
Trong năm 2022, tổng tài sản tăng 28,2% vượt 1.814 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 19,8% đạt hơn 1.120 tỷ đồng.
Trong năm 2022, ngân hàng này đã chi lương cho nhân viên ở con số đáng mơ ước với nhiều người lao động, theo báo cáo tài chính hợp nhất, số lượng nhân viên ngân hàng là 22.619 người tăng so với cùng kỳ năm 2021 (21.690 người).
Mức chi cho nhân viên bao gồm lương, trợ cấp, các chi phí đóng góp theo lương đạt mức là 10.704 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi cán bộ nhân viên của ngân hàng này là 473,2 triệu đồng/năm và đạt 39,4 triệu đồng/người/tháng.
Còn tại công ty mẹ, số lượng nhân viên đạt mức 21.884 người, tăng so với năm ngoái 902 người.
Định hướng phát triển trong năm 2023
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2023, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank nhấn mạnh 3 trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong năm 2023.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank |
Vietcombank định hướng tăng trưởng tín dụng gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả bền vững: Gia tăng tỷ trọng và chất lượng tài sản đảm bảo trong tổng dư nợ. Tăng trưởng tín dụng bán buôn gắn với phát triển khách hàng và dịch vụ. Tăng trưởng tín dụng bán lẻ, tín dụng tại phòng giao dịch đồng thời với việc đảm bảo chất lượng tín dụng.
Đáng chú ý, ngân hàng phấn đấu cải thiện tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu nhập từ dịch vụ. Mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ trên kênh số và nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng.
“Năm 2023, ngân hàng sẽ tiếp tục cơ cấu danh mục nguồn vốn theo hướng gia tăng hiệu quả và phát triển mạnh mẽ vị thế tạo lập thị trường của Vietcombank”, ông Nguyễn Thanh Tùng nói.
Bên cạnh kết quả kinh doanh, Vietcombank cũng hoàn thành một số hoạt động trọng tâm khác như đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội với tổng cam kết 491 tỷ đồng (đã giải ngân 373 tỷ đồng); triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước cho khách hàng theo Nghị định 31 và Thông tư 03...
Đặc biệt, trong năm 2022, Vietcombank đã hoàn thành việc xây dựng phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, đáp ứng tiến độ của Ngân hàng Nhà nước.
Trong thời gian tới, lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ triển khai đúng tiến độ với tinh thần quyết tâm cao nhất phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.