Năm 2023, chính sách tiền tệ Việt Nam có thể nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng?
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương hôm qua (3/1), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết tín dụng trong năm 2022 ước tăng 14,5% so với cuối năm 2021 (năm 2021 tín dụng tăng trưởng 13,6%).
Như vậy, chỉ trong 10 ngày cuối cùng của tháng 12, tín dụng đã bật tăng khoảng hơn 1,5 điểm phần trăm, tuy nhiên mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn hạn mức mà NHNN cho phép trong năm 2022 là 16%.
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại SSI Research, bức tranh tăng trưởng tín dụng trong năm nay có thể được chia rõ rệt thành 2 màu sắc, tăng mạnh trong nửa đầu năm và giảm nhiệt trong nửa cuối năm trong bối cảnh các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.
"Nhìn chung, chính sách tiền tệ xuyên suốt năm 2022 là linh hoạt với xu hướng thắt chặt, tùy theo diễn biến tình hình để xác định trọng tâm, trọng điểm ưu tiên trong từng thời điểm", SSI Research nhận định.
Thực tế, từ tháng 10 khi sự cố SCB xảy ra tác động mạnh tới thanh khoản hệ thống và thị trường, NHNN đã ưu tiên cao nhất và tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định thị trường ngoại hối.
Mục tiêu điều hành trong năm 2023 được dự báo là cũng không có nhiều khác biệt với hiện tại, là sẽ tùy vào trạng thái thực tế của thị trường để có những giải pháp phù hợp.
Dù vậy, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, với mặt bằng lãi suất hiện nay đang ở mức tiệm cận cao (tương đương giai đoạn 2011-2012) và tăng trưởng kinh tế trong năm tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do các yếu tố từ bên ngoài, chính sách tiền tệ sẽ có xu hướng nới lỏng hơn,và kết hợp với chính sách tài khóa mở rộng nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Đối với thị trường ngoại hối, các chuyên gia cho rằng, tâm lý găm giữ USD đã được giải tỏa nhờ chênh lệch tăng cao giữa lãi suất huy động VND và USD. Bên cạnh đó, các yếu tố cơ bản liên quan đến nguồn cung ngoại tệ cũng có nhiều điểm tích cực, như dòng vốn FDI giải ngân, FII, cán cân thương mại thăng dư hay dòng tiền từ các khoản vay ngoại tệ mới được giải ngân.
Trong năm 2022, VND mất giá khoảng 3,5% – thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới và khu vực. NHNN cũng đã triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ổn định tỷ giá trong năm 2022, bao gồm tăng biên độ giao dịch của tỷ giá từ + 3% lên + 5% để linh hoạt và sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp.
Trong khi đó, trong báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 4/2022 và triển vọng 2023 mới đây, các chuyên gia tại Ngân hàng UOB lại đưa ra nhận định, sự phục hồi gần đây của VND có thể không kéo dài với dự báo tỷ giá USD/VND sẽ đạt mức 25.200 đồng trong quý 1/2023, 25.400 đồng trong quý 2/2023, 25.600 đồng trong quý 3/2023 và 25.800 đồng trong quý 4/2023.
Về chính sách tiền tệ, với tỷ lệ lạm phát có khả năng duy trì ổn định, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2023, NHNN dự kiến sẽ cân bằng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng đồng thời duy trì sự ổn định giá cả và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Cuối tháng 12, NHNN cho biết sẽ điều hành chính sách tiền tệ “một cách linh hoạt” để giữ lạm phát ở mức 4,5% vào năm 2023, nhằm “ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng”.
Trái ngược với quan điểm của SSI Research, các chuyên gia UOB dự báo NHNN có khả năng sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất 1 điểm phần trăm khác vào đầu năm 2023, và có thể tạm ngừng từ đó.