Ngân hàng nào có dư nợ tín dụng bất động sản lớn nhất?
Dư nợ tín dụng bất động sản tại ngân hàng năm 2022 đạt 2,58 triệu tỷ đồng
Khoản cho vay kinh doanh bất động sản được công bố trong báo cáo tài chính của các ngân hàng chủ yếu là các khoản cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vay để phát triển dự án. Phần lớn các khoản cho cá nhân, hộ gia đình vay mua nhà không được hạch toán vào nhóm này - mà được ghi nhận ở khoản cho vay cá nhân (cho vay tiêu dùng bất động sản). Một phần nhỏ các khoản vay mua nhà như mua căn nhà thứ hai, hoặc cho vay một lần trong năm,… mới được ghi nhận như một khoản cho vay kinh doanh bất động sản.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng bất động sản của toàn ngành đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng (tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021). Đây là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế cao nhất trong 5 năm qua.
NHNN cũng cho biết có tới gần 69% tín dụng mảng bất động sản là cho vay tiêu dùng bất động sản. Trong đó, nhiều ngân hàng đang có dư nợ cho vay bất động sản ở mức lớn.
Đơn cử như tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, Mã CK: TCB) có dư nợ đạt gần 109 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với đầu năm, chiếm tới hơn 71% tổng dư nợ. Techcombank cũng là ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản trong tổng cho vay khách hàng cao nhất, với hơn 26%.
Tính đến cuối năm 2022, Techcombank có dự nợ cho vay bất động sản đạt gần 109 nghìn tỷ đồng (Nguồn: BCTC Hợp nhất quý IV/2022 của TCB). |
Sau Techcombank là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã CK: VPB) với dư nợ cho vay bất động sản tính đến cuối năm 2022 đạt 67,6 nghìn tỷ đồng, tăng gần 59% so với hồi đầu năm, đóng góp gần 16% vào tổng số tiền cho vay khách hàng.
Ngoài ra, dư nợ cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở là gần 83 nghìn tỷ đồng. Tổng dư nợ 2 hoạt động này là hơn 150 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,3% tổng dư nợ ngân hàng.
Nguồn: BCTC Hợp nhất quý IV/2022 của VPBank. |
Ngoài 2 ngân hàng trên, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank – Mã CK: MBB) cũng có khoản tín dụng bất động sản tương đối lớn. Cụ thể, dư nợ cho vay bất động sản đến hết năm 2022 của MBB là gần 21,4 nghìn tỷ đồng (tăng 69% so với đầu năm 2022).
Được biết, những năm qua, MBB dành khoảng 8% dư nợ hằng năm để cho vay bất động sản, nhưng lựa chọn phân khúc có nhu cầu ở các thành phố lớn, tập trung cho sản phẩm có nhiều nhu cầu sử dụng.
Sau MBBank là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Mã CK: SHB) với dư nợ cho vay bất động sản là gần 31,5 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 6,75% tổng dư nợ cho vay tại ngân hàng này.
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank – Mã CK: VBB) cũng là ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản ở mức cao so với mặt bằng chung, xấp xỉ 21%. Tại ngày 31/12/2022, VietBank đang cho vay bất động sản hơn 13 nghìn tỷ đồng, tăng trên 20% so với đầu năm.
Mới chỉ có 11/28 ngân hàng hạch toán chi tiết khoản mục cho vay ngành bất động sản
Thông thường, các doanh nghiệp và ngân hàng sẽ công bố các khoản mục chi tiết trong báo cáo kiểm toán hoặc báo cáo soát xét bán niên. Tuy nhiên, theo thống kê từ FiinPro, trong số 28 ngân hàng mới chỉ có 11 ngân hàng hạch toán chi tiết khoản mục cho vay ngành bất động sản trong báo cáo tài chính quý IV/2022 chưa kiểm toán.
Mặc dù trong Báo cáo tài chính quý IV/2022 của ngân hàng Techcombank không hé lộ dư nợ cho vay bất động sản cá nhân tại nhà băng này trong năm 2022 nhưng theo tiết lộ của lãnh đạo Techcombank tại hội nghị tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản mới đây, chỉ tiêu này là 190.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2021.
Đồng thời, trong năm 2022, TCB đã huy động vốn từ thị trường quốc tế để hỗ trợ nhu cầu vốn trong nước, tổng vốn huy động lên đến 1,8 tỷ USD. Theo đó, bên cạnh việc đảm bảo thanh khoản, cho vay cá nhân mua nhà của Techcombank năm vừa qua là 190 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 46 nghìn khách hàng mua nhà, dư nợ bình quân mỗi khách hàng hơn 4 tỷ đồng.
Thực tế, nhiều năm nay, Techcombank vẫn là một trong những ngân hàng mạnh tay cho vay bất động sản, nhưng chủ yếu tập trung khai thác phân khúc khách hàng có nhu cầu mua căn hộ, nhà để ở.
Ngoài Techcombank, cũng tại hội nghị giữa doanh nghiệp bất động sản và ngành ngân hàng ngày 8/2/2023, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã CK: BID) cho biết, đến hết năm 2022, dư nợ cho vay bất động sản tại BIDV là 275.000 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng. Nhà băng này cho biết năm qua tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân với 217.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã CK: VCB) cũng tiết lộ, trong năm qua, dư nợ bất động sản tại ngân hàng này chiếm trên 20%, gồm cả cho vay doanh nghiệp và khách hàng cá nhân mua bất động sản. Tăng trưởng tín dụng bất động sản khoảng 17%.
Nói về đề xuất giãn nợ và tái cơ cấu nợ của các doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành VietinBank đánh giá việc duy trì tín dụng cho vay bất động sản là sự nỗ lực của ngành ngân hàng trong thời gian qua. Ông Dũng kiến nghị: "Doanh nghiệp bất động sản đang có một đống tài sản lớn, cần bán đi để cơ cấu nợ, và vấn đề các anh bán giá bao nhiêu, đáng nhẽ 10 đồng giờ bán 6 đồng thôi để trả bớt nợ cho ngân hàng".
Ông Dũng cũng nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, "ngành ngân hàng kỳ thị doanh nghiệp bất động sản", nhưng thực tế là doanh nghiệp bất động sản khó khăn ngành ngân hàng như ngồi trên đống lửa. Vì ngân hàng và doanh nghiệp cùng chung một con thuyền.