"Người dân sẽ không chấp nhận thu hồi đất chỉ mang lợi ích cho nhóm người"
Làm rõ quy định về điều kiện thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến trong phiên thảo luận về Luật Đất đai sửa đổi sáng 14/11.
Không áp đặt thu hồi đất với các dự án thương mại đơn thuần
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết bởi vấn đề thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội và mọi người dân.
Đại biểu dẫn lại báo cáo thường niên của Chính phủ về khiếu nại, tố cáo cho thấy khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo.
"Người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế cho lợi ích của cộng đồng, lợi của Nhà nước. Nhưng người dân sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người nhưng lại áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở trục lợi lợi ích nhóm", đại biểu Tô Văn Tám cho biết và đề nghị việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần giải quyết được vấn đề trên.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, việc sửa đổi bổ sung Luật Đất đai cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
"Thu hồi đất là việc chính quyền thu hồi đất đai của chủ thể này để trao cho chủ thể khác bằng mệnh lệnh hành chính. Do đó, nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, nhiều nguy cơ lạm quyền gây bức xúc trong nhân dân", đại biểu nói.
Do đó, đại biểu đề nghị tiếp cận theo hướng chỉ thu hồi những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng.
"Còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất", ông Tám đề xuất.
Quy định rõ về điều kiện thu hồi đất
Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng, các quy định về điều kiện thu hồi đất nêu ra trong dự thảo luật còn chưa đầy đủ, chung chung, chưa cụ thể.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) - Ảnh: Quốc hội |
Đại biểu cho biết, Điều 54 Hiến pháp năm 2013 quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Đại biểu nhấn mạnh, trong điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cần làm rõ yếu tố “thật cần thiết”, quy định rõ các điều kiện nào là “thật cần thiết” để đảm bảo quá trình thu hồi đất diễn ra minh bạch, tuân thủ đúng quy định trong Hiến pháp năm 2013.
"Trong việc thu hồi đất, Nhà nước phải đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của 3 bên: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, trong đó, cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất, vì họ ở thế bị động", đại biểu nhấn mạnh và đề nghị cần chú trọng hơn nữa đến chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư để người dân bị thu hồi đất không bị thiệt thòi.
Về các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu cho biết, dự thảo luật lần này có mở rộng thêm các trường hợp thu hồi đất, hoặc mở rộng phạm vi hơn so với các trường hợp đã quy định trong luật hiện hành.
Đại biểu đề nghị cần rà soát, đánh giá lại các trường hợp thu hồi đất theo quy định của luật hiện hành xem còn phù hợp hay không. Với những trường hợp mới bổ sung, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, tránh tình trạng quy định quá nhiều trường hợp thu hồi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tiềm ẩn nguy cơ tăng khiếu kiện về đất đai.