Người lao động vẫn “khó” mua nhà ở xã hội (Ảnh minh họa). |
Nhiều người kỳ vọng nhà ở xã hội sẽ trở thành “lời giải” cho vấn đề an cư, lạc nghiệp đối với công nhân nói riêng và người lao động nói chung. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy việc sở hữu nhà ở giá rẻ đang không hề dễ dàng.
Thời gian qua, nhiều người dân trông chờ vào gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 120.000 tỷ đồng, áp dụng cho cả chủ đầu tư và người mua, thuê nhà ở xã hội. Tuy nhiên, không ít người mua nhà đã “vỡ mộng” khi biết về mức lãi suất được coi là ưu đãi của gói tín dụng này.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cũng thừa nhận mức lãi suất cho vay đối với người mua nhà ở xã hội vẫn còn bất hợp lý.
“Theo tôi, lãi suất ưu đãi nên về mức 4 - 5%. Không chỉ vậy, thời hạn có thể kéo dài tới 15 - 20 năm. Từ đó, người dân mỗi tháng chỉ cần bỏ ra 2 - 3 triệu đồng để trả góp ngân hàng. Đây mới là kế hoạch phù hợp đối với những người lao động có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng”, ông Nguyễn Thế Điệp nói.
Bên cạnh việc lãi suất tăng cao, người mua nhà còn khốn đốn vì nguồn cung hạn chế, đặc biệt là tại các thành phố lớn.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được khởi công là 9 dự án. Trong đó, Hà Nội có 1 dự án. Thậm chí, TP.HCM còn không ghi nhận thêm bất cứ dự án nào.
Việc nguồn cung khan hiếm khiến cho nhiều người buộc phải mua nhà bằng “vận may”. Vào tháng 5, dự án NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã mở bán 149 căn hộ. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại nhận về tới hơn 1.300 hồ sơ đăng ký mua nhà.
Với sự chênh lệch cung cầu lớn như vậy, những người đăng ký đã buộc phải bốc thăm với tỷ lệ trúng chỉ vỏn vẹn 1/9. Con số này còn cao hơn cả tỷ lệ “chọi” khi học sinh thi vào trường chuyên, lớp chọn.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, việc nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế xuất phát từ sự thiếu “mặn mà” của doanh nghiệp. Cụ thể, mức lợi nhuận tối đa 10% chưa thực sự thu hút các chủ đầu tư. Ngoài ra, quy trình thủ tục, pháp lý còn phức tạp. Điều này khiến thời gian xây dựng bị kéo dài và vô hình trung khiến giá nhà tăng lên.
“Bên cạnh đó, quá trình quy hoạch đất ‘sạch’ dành cho nhà ở xã hội diễn ra vẫn còn chậm. Các cấp chính quyền địa phương còn thiếu sát sao vì tư duy ‘sợ sai’. Nhiều nơi mất cả năm trời để đấu giá đất”, ông Điệp bình luận.