Nhiễu mạnh từ hoạt động cơ cấu của ETFs ngoại, VN-Index mất hơn 11 điểm
Diễn biến giao dịch phiên 16/9 |
Việc mua/bán của quỹ ETFs ngoại không hẳn sẽ đem đến những phản ứng giống nhau tại các cổ phiếu. Thực tế, các mã tăng, giảm sẽ còn phụ thuộc vào khả năng bán/mua đối ứng của từ nhóm nhà đầu tư nội.
Một số mã như VND (-4,04%), DGC (-2,6%), POW (-1,38%) theo ước tính của CTCK SSI là sẽ được mua vào nhưng rốt cuộc chốt phiên vẫn giảm giá. Trong khi đó, VCG có thể bị bán nhưng cuối phiên lại được kéo tăng giá mạnh 5,21% lên 25.250 đồng/cổ phiếu.
Hoặc như trường hợp của HAG được Van Eck ETF mua mới hoàn toàn lại đóng cửa tại mốc tham chiếu. Nhìn chung, các diễn biến của các cổ phiếu là khá "loạn" trong phiên cơ cấu cuối cùng của các ETFs.
Theo thống kê, khối ngoại trong phiên chiều đã bán ra tổng cộng hơn 430 tỷ đồng với STB (-223 tỷ đồng), VJC (-168 tỷ đồng), HSG (-100 tỷ đồng) là những cổ phiếu được đẩy mạnh giao dịch nhất.
Giao dịch của quỹ ETFs ngoại |
Lực cung ra rõ ràng đã chiến thắng cầu mua lên của phiên sáng nên việc chỉ số giảm thêm là khó tránh khỏi. VN-Index chốt phiên giảm 11,63 điểm xuống 1.234,03 điểm. Qua đó, làm tăng xác suất chỉ số sẽ phải kiểm tra lại mốc 1.230 điểm trong tuần giao dịch tới.
Với hoạt động của khối ngoại cả chiều mua lẫn bán ra đều là trên 2.000 tỷ đồng nên thanh khoản của HOSE cũng vọt lên trong phiên chiều đạt tổng cộng 15.510 tỷ đồng.
Ảnh hưởng nhà đầu tư ngoại còn khiến cho HNX-Index biến động khó lường hơn. Một loạt các mã như THD (-9,9%), CEO (-8,6%), SHS (-5%), HUT (-4,6%) đã đồng loạt giảm sâu từ sau 14h30 khiến cho HNX-Index mất 2,43% xuống 272,88 điểm. Giá trị giao dịch của HNX được đẩy lên 1.624 tỷ đồng.
Trong khi đó UPCoM-Index là chỉ số ít bị ảnh hưởng, chỉ mất 0,9% xuống 89,46 điểm. Giá trị giao dịch sàn đạt 660 tỷ đồng.
****
Không thể khẳng định rằng các quỹ ETFs đang thực hiện các giao dịch cơ cấu do một số mã như PNJ hiện không nằm trong rổ chỉ số ETFs. Tuy nhiên, các diễn biến của khối ngoại trong sáng nay cũng là rất đáng quan tâm.
Cụ thể, PNJ (+2,23%), HPG (-0,43%), DGC (+0,3%) đang được khối ngoại mua vào, trong đó PNJ nhận được hơn 200 tỷ đồng. Điều này đang giúp cho trạng thái của khối ngoại tạm thời là khả quan hơn so với 3 phiên trước. Hiện họ đang mua ròng khoảng 176 tỷ đồng.
Chỉ số VN-Index tính đến cuối phiên sáng vẫn không thực sự có nhiều đột phá, giảm 2,44 điểm xuống 1.243,22 điểm. Giá trị giao dịch của sàn đạt 5.927 tỷ đồng.
Còn HNX-Index đang giảm 0,44% xuống 278,47 điểm. Giá trị giao dịch của HNX chỉ là 597 tỷ đồng với duy nhất một cổ phiếu đạt giá trị trên 100 tỷ đồng IDC (-1,2%). PVS (-1,8%) hiện mới chỉ gần đạt xấp xỉ mốc này.
***
Trong phiên cuối tuần, tâm lý vẫn là rất cảnh giác. Hai nguyên nhân chính khiến cho nhà đầu tư tiếp tục ngại giao dịch là hoạt động cơ cấu của các ETFs sẽ được đẩy mạnh trong hôm nay; cùng với đó là diễn biến giảm điểm trở lại của chứng khoán Mỹ cũng là nút thắt quan trọng.
Tính đến 10h30, VN-Index đang giảm về 1.242 điểm, tương đương 0,3%. Mức giảm gần như là không đáng kể nếu so với các chỉ số chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc hiện đều đang giảm trên 1%.
Rổ VN30 hiện đang có trên 20 mã giảm với biên độ đều chỉ là dưới 2% như MSN (-1,6%), MWG (-1,5%), STB (-1,3%), SSI (-1,2%), PDR (-1,4%), GVR (-1,2%).
Với cả sàn, số mã giảm giá cũng đang ở mức cao là trên 60%. Tâm lý bán ra lấn lướt nhưng lực bán nhìn chung cũng là không mạnh. Hầu hết các cổ phiếu chỉ giảm quanh 1 như HDG (-1,55%), VCI (-1,53%), PC1 (-1,1%), PDR (-1,17%), KBC (-1,3%), DGW (-0,77%)…
Trong khi đó, 3 mã thanh khoản nhất của HOSE lúc này là VPB (+1,98%), PNJ (+2,5%), HAG (+2,21%) đang ghi nhận sắc xanh. Đây là diễn biến cho thấy dòng tiền thực tế chưa có dấu hiệu trở nên bi quan.
Tâm lý hiện chỉ là đề cao sự thận trọng trước những biến động có thể gây xáo trộn đặc biệt là trong bối cảnh thanh khoản hiện đang thấp. Nhiễu hoàn toàn có thể xảy ra chỉ từ một vài giao dịch lớn của ETF. Giá trị giao dịch trong 1 tiếng rưỡi đầu tiên chỉ là hơn 3.500 tỷ đồng.
HNX-Index hiện cũng đang thủ thế và nằm ngay dưới mốc tham chiếu. Giá trị giao dịch chưa đạt tới 350 tỷ đồng.