56 startup về nhiều lĩnh vực xuất hiện ở Shark Tank mùa 5 |
Shark Tank Việt Nam mùa 5 giúp 56 startup thuộc các lĩnh vực công nghệ, giáo dục, thực phẩm - F&B, thiết kế - xây dựng, nông nghiệp, thời trang, du lịch, y tế, dịch vụ, hóa mỹ phẩm, điện tử... giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp tới công chúng.
Trong đó, có nhiều mô hình kinh doanh mới, có tiềm năng tăng trưởng cao với những giải pháp sáng tạo, hữu ích cho thị trường như giải pháp vật liệu tự nhiên ứng dụng ngoài trời của e-Timber, vòng bi cổ xe và bộ giảm xóc xe máy của nhà sáng chế Nguyễn Vĩnh Sơn, cánh tay robot công nghiệp Delta X của Startup IMWI, giải pháp công nghệ nhà module AMD, nước từ trường của Koro…
Ngoài ra, Shark Tank Việt Nam cũng trở thành bệ phóng giúp các công ty khởi nghiệp thâm nhập mạnh vào thị trường. Nhiều thương vụ sau khi phát sóng thu hút sự quan tâm startup thịt chua Phú Thọ Trường Foods, 8k Studio, IRC…
Nguyễn Thị Thu Hoa - nhà sáng lập Trường Foods |
Nhiều công ty ghi nhận tăng trưởng với doanh thu ấn tượng, số sản phẩm bán ra kỷ lục và lượt tìm kiếm, tương tác trên website, fanpage tăng vọt. Chị Minh Trang, nhà đồng sáng lập và điều hành dự án Hộp Háo Hức cho biết: “Doanh thu tăng 380%, bằng cả kế hoạch của quý 3/2022, khách hàng mới tăng 15 lần so với tháng liền kề. Chúng tôi cũng được 150 nhãn hàng tiếp cận đề nghị hợp tác, fanpage đạt trên 15 triệu lượt tiếp cận, lượt truy cập website tăng 235% so với tháng trước”.
Ngoài ra, các startup khác cũng ghi nhận con số tăng trưởng vượt bậc sau khi lên sóng Shark Tank Việt Nam như Velasboost bán ra hơn 22.000 sản phẩm, doanh thu sàn thương mại điện tử tăng 280% so với cùng kỳ, lượng truy cập website tăng 320% so với cùng kỳ.
Velasboost của Lê Hải Vũ có doanh thu tăng mạnh sau khi gọi vốn ở Shark Tank |
Bánh mì Má Hải tăng 30% doanh thu và được hơn 1.000 khách hàng muốn được tư vấn nhượng quyền, tốc độ mở điểm nhượng quyền mới tăng 100%.
Trường Foods có số lượng đơn hàng trên website và các sàn thương mại điện tử tăng 15 lần, doanh thu tăng 200%, lượt tìm kiếm website tăng 6 lần, lượt truy cập website tăng 9 lần.
EM & AI tăng gấp 3 số lượng khách hàng, số lượng cuộc gọi từ Voicebot AI và doanh thu.
Startup tinh bột kháng tự nhiên có lượt tìm kiếm tăng 280%, lượt truy cập website và fanpage tăng 300%, quy mô nhân viên tăng 100%, doanh thu tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Shondo với doanh thu tăng 6 lần so với ngày thường, lượng truy cập website tăng 7 lần. Startup AirCity có lượng truy cập website tăng 11 lần, lượt like fanpage tăng 5 lần, lượt tìm kiếm trên Facebook, Google tăng 20 lần…
Shark Hùng Anh có số thương vụ đề nghị đầu tư nhiều nhất |
Shark Tank Việt Nam mùa 5 kết nối 31 startup với các Shark. Trong đó, Shark Hùng Anh - thành viên mới trở thành nhà đầu tư có số thương vụ đề nghị đầu tư nhiều nhất với 10 thương vụ. Shark Đỗ Liên có 9 thương vụ được đề nghị đầu tư. Shark Nguyễn Hòa Bình kết thúc hành trình “săn” startup với 7 thương vụ. Shark Phạm Thanh Hưng đề nghị đầu tư 6 thương vụ. Shark ngoại quốc Erik Jonsson lần đầu tiên xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam đề nghị đầu tư cho 3 startup.
Tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 5 với vị trí khách mời, Shark Nguyễn Xuân Phú đề nghị đầu tư 2 thương vụ. Shark Louis Nguyễn giữ vững khẩu vị đầu tư vào các startup thực phẩm cùng thương vụ với Bánh mì Má Hải. Trong khi đó, Shark Thái Vân Linh đề nghị đầu tư với 2 startup.
Shark Tank Việt Nam mùa 5 ghi nhận các thương vụ nhận được đề nghị đầu tư lên đến hàng triệu USD như e-Timber được đề nghị đầu tư 2 triệu USD từ Shark Đỗ Liên, startup EM & AI được đề nghị đầu tư 1 triệu USD từ Shark Đỗ Liên, startup Shondo được đề nghị đầu tư 23 tỷ đồng từ Shark Hùng Anh, hệ thống Anh ngữ Á Châu được đề nghị đầu tư 1 triệu USD từ Shark Hùng Anh.
Shark Liên nhiều lần rút vé vàn để giành quyền tưu tiên đàm phán |
Các “Cá mập” sử dụng 9 Golden Ticket (vé vàng) có tổng giá trị là 1,75 tỷ đồng để giành quyền ưu tiên đàm phán với startup.
Dự kiến tháng 11, Shark Tank Forum - sự kiện thường niên lớn nhất của Shark Tank Việt Nam được tổ chức nhằm kết nối nhà đầu tư với doanh nghiệp Việt.