Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN) |
Đối mặt với nhiều biến cố của thị trường lương thực thế giới năm 2022 nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt gần 7,2 triệu tấn với giá trị 3,49 tỷ USD.
Điều đặc biệt là gạo Việt Nam đã vươn sâu vào các thị trường có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng như Nhật Bản, EU... và gạo thơm ST24, ST25 xuất khẩu đã có giá trên 1.000 USD/tấn, gấp hơn 2 lần giá xuất khẩu gạo trắng thông thường.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 458 USD/tấn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2022.
Nhiều doanh nghiệp đã kín đơn hàng đầu năm cùng những tín hiệu tích cực của thị trường - điển hình việc Trung Quốc sẽ mở cửa sau một thời gian dài thực thi “zero COVID” - sẽ giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang quốc gia đang nhập khẩu lớn thứ hai này.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá doanh nghiệp đã biết hướng đến các thị trường cao cấp hơn để tạo ra được lợi nhuận lớn hơn cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Việc xuất khẩu gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu hay Nhật Bản là minh chứng gạo Việt Nam đã hướng vào vấn đề chất lượng, hướng về yêu cầu của từng loại thị trường khác nhau.
“Câu chuyện gạo sang Liên minh châu Âu (EU) dù ở giai đoạn này quy mô chưa lớn, sản lượng chưa nhiều nhưng rõ ràng là tín hiệu cho thấy chúng ta đã thay đổi và khi thay đổi đã tạo ra được giá trị gia tăng mới cao hơn. Điều này dẫn dắt lại người trồng lúa đảm bảo được tiêu chuẩn ngay từ khi chọn giống, ứng dụng các quy trình canh tác, chuẩn hóa từng chất lượng nông sản; trong đó có hạt gạo cho từng thị trường," Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn như Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Tập đoàn Lộc Trời… đã nhận thấy rằng cần xây dựng chiến lược thị trường lâu dài. Từ đó, họ xây dựng liên kết với nông dân, hợp tác xã trong từng vùng nguyên liệu để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng được chuẩn mực, yêu cầu của thị trường.
Nhìn lại thành công của ngành hàng lúa gạo năm qua, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng đó là nhờ vào việc Việt Nam chọn gạo thơm, gạo chất lượng cao sản xuất và dành được nhiều thị trường. Xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU… ghi nhận mức tăng trưởng rất mạnh.
Theo VFA, trong năm 2022, có thời điểm giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam vượt qua Thái Lan và đứng đầu thế giới. Đơn cử, trong tháng 11/2022, trong khi giá chào bán gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ ở mức 440 USD/tấn, còn Việt Nam ghi nhận mức 447 USD/tấn.
Sự đột phá mới về thị trường đã giúp xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về giá trị và số lượng.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết giá gạo thơm xuất khẩu tới thị trường Trung Đông, châu Âu của doanh nghiệp này trong năm 2022 đạt mức bình quân 650 USD/tấn, riêng gạo ST24, ST25 có giá trên 1.000 USD/tấn - mức giá xuất khẩu cao đối với gạo trong nhiều năm nay.
Cũng khá thành công trong năm 2022, Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo tăng hơn 200% vào thị trường tiêu chuẩn cao châu Âu, doanh thu tăng hơn 150% so với năm trước.
Không chỉ đạt được sự hấp dẫn về giá mà nhiều doanh nghiệp đã có được những đơn hàng đến quý 3/2023. Điển hình như, Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị được chọn xuất khẩu đơn hàng gạo đầu tiên sang thị trường EU. Sau đơn hàng đầu tiên, các đối tác EU tiếp tục đặt hàng cho những lô gạo tiếp theo. Ngay từ tháng 10/2022, Tập đoàn Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho thị trường EU vào năm 2023.
Còn Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An nhận được gần như kín đơn hàng đến tháng 4/2023. Theo ông Phạm Thái Bình, giá gạo 5% tấm đang ở mức rất cao và dự báo sẽ còn tăng tiếp. Giá gạo chất lượng cao xuất khẩu cũng ở mức 750-1.200 USD/tấn tùy loại - mức giá có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt.
Theo dự báo của VFA, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi trong năm 2023. (Nguồn: TTXVN) |
Theo dự báo của VFA, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi trong năm 2023 bởi giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên.
Nhiều nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, châu Phi… vẫn đang có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam. Riêng Philippines - thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu cho năm 2023 khi nước này quyết định duy trì thuế nhập khẩu ở mức 35%.
“Những tín hiệu tích cực từ thị trường, giá ở mức cao nên hợp đồng xuất khẩu gạo trong niên vụ sản xuất mới sẽ tốt. Nông dân cũng sẽ có lợi nhuận tốt hơn," ông Đỗ Hà Nam nhận định.
Theo nguồn: TTXVN