Phát Đạt mua lại trước hạn lô trái phiếu trị giá 150 tỷ đồng
Đây là lô trái phiếu phát hành ngày 16/12/2021 có kỳ hạn 2 năm, ngày đáo hạn là 16/12/2023. Thời điểm mua lại trước hạn là ngày 25/11/2022 dựa trên thỏa thuận giữa Phát Đạt và các trái chủ.
Đại diện công ty cho biết đã chuẩn bị dòng tiền để thanh toán các khoản nợ đáo hạn, bao gồm cả trái phiếu từ cuối năm nay đến 2023.
Mới đây, vào ngày 21 và 25/10/2022, Phát Đạt cũng đã tất toán khoản vay vốn lưu động có giá trị tổng cộng 220 tỷ đồng cho Tập đoàn tài chính Mirae Asset (Hàn Quốc). Như vậy, so với số liệu theo báo cáo tài chính quý 3/2022, số dư nợ vay của Phát Đạt giảm 370 tỷ đồng.
Cụ thể, tại thời điểm cuối quý 3/2022, nợ phải trả tại của Phát Đạt tăng 24% lên 15.395 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ vay trong 9 tháng đầu năm 2022 của Phát Đạt đạt 5.266 tỷ đồng, tăng 53% so với đầu năm, trong đó, vay ngân hàng là 1.148 tỷ đồng, nợ vay trái phiếu phát hành là 2.846 tỷ đồng, còn lại là các khoản vay khác.
Như vậy, ước tính sau khi tất toán lô trái phiếu lần 9/2021 và khoản vay vốn lưu động cho Mirae Asset, tổng số dư nợ vay (ngắn hạn và dài hạn) của Phát đạt còn 4.896 tỷ đồng. Trong đó số dư nợ trái phiếu xuống còn 2.698 tỷ đồng. Với số dư nợ vay này thì ước tính tỷ lệ “vay (ngắn hạn + dài hạn)/vốn chủ sở hữu” đã giảm từ mức 0.51 tại thời điểm cuối quý 3/2022 xuống mức 0.47. Phát Đạt thường xuyên duy trì tỷ lệ này ở mức dưới 0.5 từ quý 2/2020 đến nay.
Thông tin thêm về các lô trái phiếu của Phát Đạt có tài sản đảm bảo là cổ phiếu PDR, công ty cho biết, thời gian qua, cổ phiếu PDR có những phiên giảm do tâm lý nhà đầu tư lo ngại về triển vọng kinh tế vĩ mô kém tích cực và các chính sách liên quan đến trường bất động sản. Đồng thời, các cổ đông sử dụng vốn vay để mua cổ phiếu PDR bị các công ty chứng khoán bán chủ động nhằm thu hồi vốn.
Trong bối cảnh đó, Phát Đạt đã có những đợt bổ sung tài sản cho các lô trái phiếu. Trong đó, lô trái phiếu lần 9/2021 (vừa được mua lại trước hạn ngày 25/11/2022) và lần 5/2021 đã được bổ sung chung tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất tại Quảng Ngãi ước tính có giá trị khoảng 200 tỷ đồng. Trước đó, hai lô trái phiếu này cũng đã được bổ sung thêm một số cổ phiếu PDR.
Hồi đầu tháng 11, Phát Đạt đã thông qua việc sử dụng tài sản là quyền sở hữu và quyền khai thác tài sản thuộc dự án chung cư 239 Cách Mạng Tháng Tám do CTCP Đầu tư thương mại dịch vụ AKYN làm chủ đầu tư, là bên có liên quan của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tấn Danh, Phó chủ tịch HĐQT để bổ sung tài sản bảo đảm cho toàn bộ nghĩa vụ được bảo đảm của Công ty Phát Đạt liên quan đến các đợt phát hành trái phiếu lần 1, lần 3, lần 6, lần 7 của năm 2021 và lần 1 năm 2022 (bao gồm: mã trái phiếu PDRH2123001, PDRH2123003, PDRH2123006, PDRH2123007 và PDRH2224001) với bên thứ ba.
Cùng với đó, HĐQT Phát Đạt cũng thông qua các hợp đồng, giao dịch giữa Công ty Phát Đạt và bên có liên quan là CTCP Đầu tư thương mại dịch vụ AKYN bao gồm nhưng không giới hạn các hợp đồng cầm cố thế chấp, hợp đồng bổ sung quản lý tài sản bảo đảm và/hoặc các phụ lục nếu có để triển khai các nội dung nêu trên.
Trước đó, PDR cũng đã dùng quyền sở hữu tài sản (bao gồm toàn bộ cổ phần và quyền sử dụng đất) tại dự án Khu du lịch Bến Thành – Long Hải (dự án Tropicana, Bà Rịa Vũng Tàu) do CTCP Bến Thành Long Hải làm chủ đầu tư để bổ sung tài sản đảm bảo cho công ty.
Sau 16 phiên sàn liên tiếp, thị giá cổ phiếu PDR đã giảm hơn 82% so với đỉnh |
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 24/11, cổ phiếu PDR đã có 15 phiên giảm sàn liên tục với dư bán giá sàn hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đơn vị mỗi phiên. Ghi nhận sáng 25/11, cổ phiếu PDR tiếp tục giảm sàn về 12.900 đồng/cổ phiếu với dư bán giá sàn hơn 94,5 triệu cổ phiếu, trong khi khối lượng khớp lệnh chỉ hơn 1,1 triệu đơn vị. Đây cũng là mức đáy hơn hai năm của cổ phiếu PDR, còn so với mức đỉnh hồi tháng 10 năm ngoái, thị giá cổ phiếu này đã "bốc hơi" 82% giá trị.