Nguyên nhân nợ công của Mỹ có thể tăng thêm 19 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới |
Báo cáo Giám sát Tài chính mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, tổng nợ công toàn cầu sẽ lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua mức 100.000 tỷ USD, đạt 93% GDP toàn cầu vào cuối năm 2024 và tiến tới 100% vào năm 2030. Con số này sẽ vượt quá mức đỉnh 99% trong thời kỳ COVID-19 và tăng 10 điểm phần trăm so với năm 2019, trước khi đại dịch bùng nổ.
Mối quan ngại của IMF về mức nợ tăng cao xuất hiện trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ vài tuần. Trong đó, 2 ứng cử viên đều hứa sẽ thực hiện kế hoạch giảm thuế và chi tiêu mới có thể làm tăng thêm hàng nghìn tỷ USD vào thâm hụt liên bang.
Theo ước tính của Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm (CRFB), các kế hoạch cắt giảm thuế của ứng cử viên Tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ tăng thêm khoảng 7,5 nghìn tỷ USD nợ mới trong 10 năm, gấp hơn 2 lần so với mức 3,5 nghìn tỷ USD từ các kế hoạch của ứng cử viên đảng Dân chủ - Phó Tổng thống Kamala Harris.
Theo IMF, tài chính công của những quốc gia đi vay nhiều nhất đang là vấn đề toàn cầu. |
IMF nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mức nợ công trong tương lai có thể cao hơn nhiều so với dự báo hiện tại, bao gồm nhu cầu tăng chi tiêu ở Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới. Áp lực chi tiêu để giải quyết các quá trình chuyển đổi xanh, già hóa dân số, an ninh và những thách thức phát triển bền vững có xu hướng khiến nợ công tăng nhanh hơn. Mức nợ công cao tại các nền kinh tế lớn cũng có thể làm tăng biến động của lợi suất trái phiếu chính phủ và rủi ro nợ đối với các quốc gia khác.
IMF đưa ra cảnh báo, tài chính công của những quốc gia đi vay nhiều nhất đang là vấn đề toàn cầu. Bên cạnh đó, mức nợ tăng cao và sự bất ổn liên quan đến chính sách tài khóa của các nền kinh tế lớn và có hệ thống như Trung Quốc, Mỹ có thể tạo ra sự lan tỏa đáng kể dưới hình thức chi phí đi vay cao hơn và rủi ro liên quan đến nợ ở các nền kinh tế khác. IMF cảnh báo một “kịch bản xấu” là nợ công toàn cầu có thể đạt 115% GDP chỉ trong vòng 3 năm tới, cao hơn 20 điểm phần trăm so với dự kiến hiện tại.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh rằng khoản nợ khổng lồ này đang đè nặng lên kinh tế thế giới và dự báo một tương lai đầy thách thức khi tăng trưởng thấp kết hợp với nợ công cao. Các chính phủ cần phải nỗ lực giảm nợ và chuẩn bị sẵn sàng vì “cú sốc” kinh tế tiếp theo có thể đến sớm hơn dự kiến.
IMF tiếp tục kêu gọi các chính phủ củng cố chính sách tài khóa bởi môi trường hiện tại - khi tăng trưởng vững chắc và tỷ lệ thất nghiệp thấp - là thời điểm thích hợp để thực hiện. Tuy nhiên, thực tế là những nỗ lực hiện tại của các nước chỉ chiếm trung bình 1% GDP toàn cầu trong giai đoạn 2023- 2029, không đủ để giảm hoặc ổn định nợ công với xác suất cao.
Theo đó, cần phải thắt chặt tích lũy 3,8% để đạt được mục tiêu này, nhưng ở Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác mà GDP không được dự báo là sẽ ổn định, cần phải thắt chặt tài chính hơn nữa.
Thâm hụt ngân sách của Mỹ hơn 1,8 nghìn tỷ USD, tương đương 6,4% GDP
Ngày 18/10, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo ghi nhận mức thâm hụt ngân sách của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã lên đến 1.833 tỷ USD trong năm tài chính 2024, tăng 8% so với mức thâm hụt của năm 2023 (1.695 tỷ USD) do chi tiêu nhiều hơn, trong đó có việc trả lãi cho nợ công.
Nguyên nhân chủ yếu là tiền trả lãi tăng 29% lên 1.133 tỷ USD, do lãi suất cao và Mỹ vay nợ nhiều hơn. Tài khóa trước cũng là lần đầu tiên số tiền chính phủ Mỹ chi ra để trả lãi vượt 1.000 tỷ USD. Con số này còn lớn hơn chi phí chăm sóc cho người cao tuổi và chi tiêu quốc phòng.
Theo đó, tổng mức thâm hụt đã tăng thêm 138 tỷ USD trong năm tài chính 2024 - được tính từ ngày 1/10/2023 đến 30/9/2024. Thâm hụt ngân sách tài khóa 2024 tương đương 6,4% GDP, tăng so với 6,2% năm trước đó. Theo Bộ Tài chính Mỹ, năm tài chính 2024 đánh dấu mức thâm hụt cao thứ ba trong lịch sử nước này, chỉ sau 2 năm 2021 và 2020.
Các nguyên nhân khác kéo thâm hụt ngân sách của Mỹ lên cao là khoản chi cho an sinh xã hội tăng 7% lên 1.520 tỷ USD, chi cho chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare tăng 4% lên 1.050 tỷ USD và chi tiêu quân sự tăng 6% lên 826 tỷ USD.
Bộ Tài chính Mỹ đã chi 882 tỷ USD cho các khoản thanh toán lãi ròng trong năm tài chính tính đến tháng 9, tương ứng với trung bình khoảng 2,4 tỷ USD/ngày. Chi phí tương đương 3,06% GDP, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1996.
GDP Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong hơn 1 năm qua
Cũng trong ngày 18/10, Trung Quốc đã công bố dữ liệu cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn ảm đạm bất chấp những nỗ lực kích thích tăng trưởng được giới chức nước này công bố từ tháng trước.
Cụ thể, trong quý 3/2024, GDP của Trung Quốc tăng 4,6%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 4,7% của quý trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong kể từ đầu năm 2023 và thấp hơn so với mục tiêu cả năm 5% của Chính phủ Trung Quốc.
Tiêu dùng vẫn chưa phục hồi, trong khi cuộc khủng hoảng bất động sản - 1 ngành đóng vai trò động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng - vẫn tiếp tục đè nặng tâm lý của các hộ gia đình. Giá nhà mới trong tháng 9 chỉ tăng ở 2 trong số 70 thành phố lớn của Trung Quốc.
Nợ công của Mỹ có thể tăng lên mức 125% GDP nếu chi tiêu tăng mạnh Ngày 31/5, tổ chức phi lợi nhuận có tên “Ủy ban vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm” cảnh báo nợ công của ... |
Trả nợ công trực tiếp của Chính phủ sẽ không quá 25% tổng thu NSNN vào năm 2030 Theo "Chiến lược nợ công đến năm 2030", Chính phủ đặt mục tiêu nợ công của Việt Nam tới năm 2030 không quá 60% GDP; ... |
Nợ công của Việt Nam: Bức tranh mới và sáng hơn Các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn, dịch chuyển tích cực hơn với kỳ hạn ... |