Ngày 18/10 Chính phủ đã gửi đến Quốc hội báo cáo về tình hình nợ công năm 2022 và dự kiến năm 2023.
Theo đó, yêu cầu tổng khối lượng huy động vốn của Chính phủ cả năm 2022 đạt khoảng 619.492 tỷ đồng, trong đó vay cho cân đối ngân sách trung ương gần 93% dự toán vay được Quốc hội phê duyệt (khoảng 600.046 tỷ đồng), rút vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài để vay lại hơn 19.440 tỷ đồng (đạt gần 73% kế hoạch Thủ tướng duyệt).
Tăng thêm chủ động
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, bức tranh nợ công của Việt Nam đã và đang tăng thêm tính chủ động, khi cơ cấu nguồn trong nước chiếm chủ yếu. Điều này cũng phản ánh sức mạnh nội lực của các nguồn trong nước thay vì dự nhiều vào vay nước ngoài như các giai đoạn trước đây.
Cụ thể, vốn huy động của Chính phủ chủ yếu từ nguồn vay trong nước chiếm tới 92%, thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP).
Nêu kỹ hơn về TPCP, Chính phủ cho biết, biến động trên thị trường tiền tệ, ngoại hối đã tác động mạnh tới tâm lý các nhà đầu tư. Lãi suất giao dịch TPCP vừa qua tăng mạnh từ giữa tháng 2 đến tháng 5, sau đó duy trì ổn định, rồi tăng trở lại từ giữa tháng 7. Hiện lãi suất giao dịch TPCP trên thị trường sơ cấp tăng 1,07-2,3% một năm so với đầu năm nay.
Các nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp có xu hướng tăng lãi suất dự thầu, giảm khối lượng dự thầu. Hiện tỷ lệ dự thầu/gọi thầu bình quân tới giữa tháng 9 là 1,5 lần, giảm khoảng 1,1 lần so với cùng kỳ 2021. Điều này ảnh hưởng tới kế hoạch phát hành TPCP năm 2022.
Bối cảnh thu ngân sách trung ương năm 2022 vượt dự toán, giải ngân vốn đầu tư công bằng nguồn ngân sách trung ương chậm… Chính phủ cho biết, phát hành TPCP những tháng cuối năm sẽ “phù hợp để đáp ứng yêu cầu chi ngân sách”.
Vừa qua, Bộ Tài chính cũng cho biết, cân đối với thu – chi ngân sách, đặc biệt với tiến độ giải ngân vốn ngân sách, cơ quan này đã có chủ động điều tiết khối lượng huy động thêm qua phát hành TPCP, góp phần tối ưu thêm chi phí cho ngân sách…
Về huy động vốn nước ngoài, các khoản vay ưu đãi nước ngoài tính tới 9 tháng đầu năm là gần 185 triệu USD, gồm các khoản ODA từ Hàn Quốc (33,5 triệu USD), Nhật Bản (151 triệu USD). Mức lãi suất vay 0,1% một năm trong 40 năm, ân hạn 10 năm. Từ nay tới cuối năm Chính phủ sẽ đàm phán, ký 6 hiệp định vay ưu đãi, khoảng 188 triệu USD.
Do Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình, nên việc cấp vốn vay ưu đãi kèm điều kiện kém ưu đãi hơn, sát với thị trường với lãi suất thả nổi. Dự báo các hiệp định vay ưu đãi tới đây sẽ thu hẹp hơn, nhằm giảm rủi ro tỷ giá, lãi suất và đảm bảo an ninh tài chính.
Nghĩa vụ trả nợ nằm sâu dưới trần
Với nghĩa vụ trả nợ, Chính phủ cho biết, tổng trả nợ của Chính phủ năm 2022 ước khoảng 324.583 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 294.300 tỷ đồng, đạt 98% dự toán; trả nợ vay nước ngoài về cho vay lại ước khoảng 30.283 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ các khoản vay trong nước chiếm trên 82% tổng nghĩa vụ trả nợ ngân sách Trung ương. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp Chính phủ năm nay so với thu ngân sách khoảng 18-19%, dưới mức trần 25% Quốc hội cho phép.
Năm nay ngân sách địa phương vay khoảng 19.184 tỷ đồng, tổng trả nợ gốc khoảng 3.309 tỷ đồng; trả nợ lãi, phí khoảng 1.818 tỷ đồng. Dự kiến bội chi ngân sách địa phương năm nay khoảng 15.875 tỷ đồng, giảm 9.125 tỷ so với dự toán Quốc hội quyết định.
Về vay nước ngoài của Quốc gia so với GDP năm nay khoảng 40-41% GDP, trong mức trần nợ nước ngoài của quốc gia 50% GDP được Quốc hội phê duyệt. Về trả nợ nước ngoài của quốc gia, dự kiến ở mức 6-7% (tính trên cơ sở kim ngạch xuất khẩu 368 tỷ USD), trong giới Hàn Quốc hội cho phép (25%).
Chính phủ khẳng định các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội quyết định, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố tính bền vững của chính sách tài khóa tạo dư địa dự phòng để có thể chủ động ứng phó với rủi ro vĩ mô.
Theo đó, nợ công năm 2022 ước thực hiện 43-44% GDP; nợ Chính phủ 40-41% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia 40-41% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp Chính phủ 18-19% thu ngân sách nhà nước và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài quốc gia 6-7% kim ngạch xuất khẩu (368 tỷ USD).
Cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm 2022 tiếp tục duy trì theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra.
Chính phủ cũng phân tích, dư nợ trong nước tăng lên, chiếm 70% dư nợ Chính phủ, chủ yếu là TPCP có kỳ hạn phát hành dài (trung bình khoảng 13,78 năm tính đến 14/9/2022); nợ nước ngoài chủ yếu vẫn là vay ODA, vay ưu đãi dài hạn, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Ngoài ra, nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục xu hướng giảm mạnh, từ mức 8,8% GDP năm 2015 xuống còn khoảng 3,2% GDP năm 2022.
Tỷ trọng, cơ cấu kỳ hạn và chi phí lãi suất trong huy động vốn qua TPCP có những chuyển dịch tích cực so với các giai đoạn trước (Ảnh minh họa) |
Giảm thiểu rủi ro, khó khăn phía trước
Cũng theo báo cáo trên, chủ nợ đối với danh mục nợ của Chính phủ đa dạng. Với nợ trong nước, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ đã được phát triển theo hướng đa dạng, tăng cường vai trò của các nhà đầu tư dài hạn, giảm dần tỷ trọng nắm giữ trái phiếu chính phủ của các ngân hàng thương mại.
Dư nợ vay bằng tiền VND chiếm phần lớn danh mục nợ Chính phủ, dự kiến đạt trên 70% đến hết năm 2022. Kỳ hạn phát hành bình quân của danh mục nợ tiếp tục duy trì tương đối dài, lãi suất hợp lý, phù họp với diễn biến thị trường.
Quản lý, sử dụng nợ công tiếp tục được tăng cường, ngày càng hiệu quả hơn; quán triệt tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn vay và nợ công.
Kỳ hạn phát hành bình quân của danh mục nợ duy trì tương đối dài, lãi suất hợp lý, phù hợp diễn biến thị trường.
Chính phủ đánh giá, việc tái cơ cấu danh mục trái phiếu Chính phủ qua kéo dài kỳ hạn phát hành, duy trì thời gian đáo hạn bình quân ở mức hợp lý đã giúp giảm rủi ro tái cấp vốn (đảo nợ) của ngân sách. Cụ thể, trái phiếu Chính phủ phát hành từ đầu năm đến nay có kỳ hạn 10 năm trở lên; kỳ hạn phát hành bình quân 13,78 năm (tăng 0,73 năm so với cùng kỳ 2021) và thời gian đáo hạn bình quân là 9,13 năm, giảm 0,14 năm so với cuối 2021.
Về hạn chế, báo cáo nêu, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, nhất là với vốn ODA, dự kiến đến cuối năm 2022 đạt 65% kế hoạch. Đến tháng 9, một số bộ, ngành, địa phương đề xuất trả kế hoạch vốn năm 2022, gồm 6 bộ, ngành đề xuất trả 1.669 tỷ đồng; 9 địa phương đề nghị trả 9.970 tỷ đồng.
Áp lực tăng vay, điều kiện thị trường vốn quốc tế và trong nước không thuận dẫn đến mặt bằng lãi suất tăng, phản ứng chính sách của các nước cũng gây sức ép giảm giá của đồng Việt Nam ảnh hưởng nghĩa vụ trả nợ, đặc biệt đối với nợ bằng USD, và rủi ro cho việc thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ nước ngoài quốc gia, báo cáo nêu rõ.
Thời gian tới, dự kiến tình hình thị trường tài chính - tiền tệ thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều biến động, thách thức khó lường. Các yếu tố tác động tới thị trường trái phiếu có thể là việc tiếp tục tăng lãi suất cơ bản để kiểm soát lạm phát của nhiều NHTW các nước; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai nhiều giải pháp điều hành theo hướng thắt chặt chính sách tiền tệ theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá. Bên cạnh đó, nhu cầu vay TPCP rất lớn, tạo áp lực tăng mặt bằng lãi suất phát hành TPCP trong nước.
Bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam cũng đối mặt với không ít rủi ro, thách thức từ bên ngoài như biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào gia tăng áp lực lạm phát trong nước, rủi ro về chuỗi cung ứng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu…
Kế hoạch năm 2023, Chính phủ cho biết dự kiến huy động vay 644.515 tỷ đồng, tăng khoảng 27.000 tỷ đồng so với 2022. Trong đó, vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương 430.500 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương 190.515 tỷ đồng; vay về cho vay lại 23.500 tỷ đồng.
Nguồn huy động kết hợp linh hoạt các công cụ như phát hành TPCP; vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Trường hợp cần thiết sẽ tính tới vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc phát hành TPCP trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước.
Với nguồn huy động như trên, dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 293.405 tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc khoảng 190.515 tỷ đồng và trả nợ lãi khoảng 102.890 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 33.648 tỷ đồng (trả gốc khoảng 25.565 tỷ đồng, trả lãi khoảng 8.083 tỷ đồng).
Dự kiến đến cuối năm 2023, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách vẫn trong mức trần 25% Quốc hội phê duyệt. Chính phủ không bảo lãnh mới cho các chương trình, dự án để vay vốn trong nước, nước ngoài. Dự kiến dư nợ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước khoảng 10.073 tỷ đồng, bảo lãnh vay nước ngoài khoảng 116.564 tỷ đồng.
Năm 2023, dự báo nhu cầu vay nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng vẫn ở mức cao, dự kiến mức rút vốn ròng trung dài hạn khoảng 7.300 triệu USD, tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 23% so với cuối năm 2022.
Tăng cường các giải pháp quản lý
Tại báo cáo, Chính phủ cũng nêu một số giải pháp tăng cường quản lý nợ công, nhấn mạnh sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nợ công, ngân sách: nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi khuôn khổ pháp lý về ngân sách để tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách.
Tiếp tục rà soát quy định pháp luật về nợ công, ngân sách và đầu tư công nhằm tiếp tục cải thiện thể chế quản lý nợ công, tiệm cận thông lệ quốc tế.
Sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù họp, huy động thêm nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng linh hoạt nguồn vốn huy động cho Chương trình và nguồn vốn huy động theo kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, hằng năm.
Tháo gỡ vướng mắc nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, áp dụng chính sách tài khoá linh hoạt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều yếu tố không chắc chắn. Nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách để bố trí một phần tăng thu ngân sách để trả nợ gốc, qua đó giảm gánh nặng nợ, giảm áp lực trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong trung và dài hạn.