ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng, đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng trước những bất ổn
Bão số 3 gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng, tăng trưởng GDP quý III cả nước có thể giảm 0,35% |
ADB nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng, bất chấp bất ổn trên toàn cầu. Ảnh: Shutterstock |
ADB dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực
Tại buổi họp báo công bố Báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 9, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu. Sự phục hồi ổn định đạt được do sản xuất công nghiệp được cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ.
Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng, khi cầu bên ngoài đối với các mặt hàng điện tử xuất khẩu chủ lực góp phần gia tăng sản xuất. Kinh tế Việt Nam phục hồi cũng được hỗ trợ bởi sự khôi phục của các ngành dịch vụ và sản lượng nông nghiệp ổn định. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước còn yếu và triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn làm tăng thêm sự bất ổn.
Vừa qua, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương miền Bắc. Tuy nhiên, ADB cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước những bất ổn của môi trường bên ngoài, do đó giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP 6% năm 2024 và 6,2% năm 2025 như báo cáo tháng 4 và tháng 7 trước đó.
Ông Shantanu Chakraborty cho biết con số dự báo này được đưa ra dựa trên kết quả nửa đầu năm cũng như các chính sách hiện tại và là số liệu “có thể đạt được”.
Bên cạnh đó, lạm phát dự báo tăng nhẹ ở mức 4% trong hai năm 2024 và 2025, mặc dù căng thẳng địa chính trị, gồm các cuộc xung đột trên thế giới có thể tác động tới giá dầu và có khả năng gia tăng lạm phát.
Báo cáo của ADB cũng chỉ ra một số rủi ro có thể làm chậm đà tăng trưởng của Việt Nam như cầu bên ngoài tại một số nền kinh tế lớn vẫn yếu, trong khi căng thẳng địa chính trị và những bất ổn liên quan tới cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ trong tháng 11 có thể khiến thương mại bị phân tán, ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm.
Theo ADB, Việt Nam cần tăng nhu cầu trong nước thông qua các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn, như đẩy nhanh thực hiện đầu tư công, trong khi vẫn phải duy trì lãi suất thấp. Sự phối hợp giữa các chính sách là điều cần thiết để phục hồi kinh tế, trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu còn yếu.
Chính sách tiền tệ cần tiếp tục tập trung vào 2 mục tiêu ổn định giá cả và hỗ trợ tăng trưởng, mặc dù không gian chính sách hạn chế. Tuy nhiên, rủi ro các khoản nợ xấu tăng lên do việc tiếp tục gia hạn quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ làm hạn chế khả năng nới lỏng tiền tệ hơn nữa. Bất kỳ biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ bổ sung nào cũng nên được phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng, cùng với việc đẩy nhanh cải cách thể chế để hỗ trợ nền kinh tế.
UOB dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam chậm lại
Trong khi đó, với những thiệt hại do bão số 3 (bão Yagi) gây ra, Ngân hàng United Overseas Bank của Singapore điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 của Việt Nam xuống còn 5,9% (giảm khoảng 0,1% điểm phần trăm so với dự báo trước đó là 6%).
Cụ thể, trong báo cáo “Dự báo triển vọng kinh tế quý III/2024” vừa công bố, Ngân hàng UOB nhận định, triển vọng tăng trưởng năm 2024, ảnh hưởng từ cơn bão Yagi sẽ được cảm nhận rõ hơn vào cuối quý III/2024 và đầu quý IV/2024 ở các vùng phía bắc của đất nước. Tác động sẽ thể hiện qua việc sản lượng sụt giảm và các cơ sở bị hư hỏng ở nhiều lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp và các dịch vụ. Tuy nhiên, ngoài những gián đoạn tạm thời này, UOB đánh giá các yếu tố cơ bản dài hạn vẫn khá vững chắc.
Theo các chuyên gia UOB, mặc dù Việt Nam đã tăng trưởng vượt trội ở mức 6,93% trong quý II/2024, tốc độ nhanh nhất trong gần 2 năm nhưng đà tăng trưởng mạnh mẽ này khó có thể tiếp tục trong nửa cuối năm 2024. Sau khi tính đến những yếu tố ảnh hưởng từ bão Yagi, các nỗ lực tái thiết và nền cơ sở cao hơn trong nửa cuối năm 2023, UOB đang điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng cho Việt Nam.
Đối với quý III/2024, dự báo tốc độ tăng trưởng chậm lại ở mức 5,7% (giảm so với mức 6,0% trước đó) và đối với quý IV/2024 là 5,2% (giảm so với mức 5,4%). Do đó, dự báo tăng trưởng cả năm của chúng tôi cho năm 2024 được hạ xuống còn 5,9% (giảm khoảng 0,1% điểm phần trăm so với dự báo trước đó là 6%). Tuy nhiên, UBO đánh giá, đây vẫn là sự phục hồi tích cực so với mức tăng trưởng 5% vào năm 2023.
Bên cạnh đó, UOB cũng dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2025 được điều chỉnh tăng khoảng 0,2% điểm phần trăm lên 6,6%, phản ánh mức tăng dự kiến để bù đắp cho những khoản sụt giảm trước đó.
Bất chấp tác động từ cơn bão Yagi vừa qua và tỷ giá VND phục hồi đáng kể kể từ tháng 7/2024, các chuyên gia UOB kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ duy trì lãi suất chính sách chủ chốt trong thời gian còn lại của năm 2024, đồng thời chú ý đến rủi ro lạm phát.
Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 7% Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ ngày 15/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bão số 3 và hoàn lưu sau bão ảnh hưởng tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa. Các địa phương này chiếm trên 41% GDP và 40% dân số cả nước. Hải Phòng - một trong 2 địa phương bị bão Yagi "càn quét" - chịu thiệt hại 10.820 tỷ đồng, bằng 1/10 tổng thu ngân sách toàn thành phố năm 2023. Quảng Ninh - nơi tâm bão đi qua - thiệt hại khoảng 23.770 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại, tăng trưởng GDP quý III có thể giảm 0,35%, quý IV hạ 0,22% so với kịch bản không có bão Yagi. Tính chung cả năm, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đưa ra vào cuối quý II (6,8-7%). Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng hạ 0,05% và dịch vụ 0,22%. GRDP năm nay của nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... có thể giảm trên 0,5%. Tuy nhiên, cũng tại Hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu khẩn trương khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm vẫn đạt khoảng 7%. Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan xây dựng, triển khai chương trình khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. |
Nền kinh tế bạc - kinh nghiệm quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam Nền kinh tế bạc (Silver Economy) là một thuật ngữ dùng để chỉ tất cả các hoạt động kinh tế liên quan đến việc phục ... |
Cần kết thúc chính sách tài khóa mở rộng, có giải pháp căn cơ hơn hỗ trợ doanh nghiệp Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, 4 năm qua Bộ Tài chính đã kiên trì thực hiện chính sách tài khóa mở ... |
Sau tăng lương, CPI tháng 7/2024 tăng 0,48% Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Bảy và 7 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh ... |