"Làn sóng" cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc ngày càng tăng. Ảnh minh họa: nld.vn |
Cụ thể theo thống kê là có 676 cán bộ, công chức và hơn 5.500 viên chức xin nghi việc theo nguyện vọng cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2022, tức là mỗi tháng có 1.000 người trong bộ máy hành chính Nhà nước ở Thành phố nặng động nhất nước xin ra làm ngoài.
Công văn của địa phương cho thấy vấn đề không còn nằm trong phạm vi xem xét và xử lý của địa phương mà phải khẩn thiết nhờ Trung ương hỗ trợ. Vấn đề này nhìn rộng ra đã bắt đầu mang tính chất quốc gia.
Vì sao có "làn sóng" nghỉ việc nhiều và liên tục trong mấy tháng qua như vậy? Theo lý giải của chính quyền địa phương thì cụ thể có ba nguyên nhân chính: do thu nhập thấp, do việc cất nhắc, đề bạt chưa thích hợp và áp lực công việc nặng nề.
Phải nói ngay rằng những lý do này không phải bây giờ mới xuất hiện mà nó tồn tại đã lâu, nhưng qua hai năm đại dịch COVID vừa qua càng bộc lộ rõ hơn. Mặt khác do những cơ sở ngoài quốc doanh, ngoài biên chế Nhà nước gọi mời với chế độ đãi ngộ và mức lương hấp dẫn nên việc "chảy máu" chất xám ngày càng tăng thêm.
Trong đó có hai lĩnh vực đặc biệt quan trọng, nhạy cảm và thiết thân với mỗi người là giáo dục và y tế. Lĩnh vực giáo dục chiếm tỷ lệ cao nhất, với 2.436 người và y tế đứng ngay kế tiếp với 2.145 người.
Thật là một thực trạng đau đầu và đáng buồn cho những ai quan tâm đến câu chuyện thời sự hôm nay. Tất nhiên những người xin nghỉ việc hầu hết là những người có năng lực và trách nhiệm, có cơ hội làm ở khu vực "ngoài biên chế"; còn số cán bộ, công chức, viên chức "Sáng vác ô đi, tối vác ô về" làm việc theo kiểu "Cơm vua, ngày trời" thì thường bám Nhà nước đến cùng, ngay cả cơ quan có cho về chắc cũng không muốn.
Trước tình trạng này, chính quyền Thành phố cho biết tiếp tục có cơ chế tăng thêm thu nhập, về việc đề bạt thì tăng cường thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan đơn vị để tạo động lực cho những người có năng lực thi thố và cống hiến; còn để giảm áp lực công việc thì sẽ kiến nghị tăng thêm biên chế ở một số bộ phận xét thấy cần thiết.
Nhân đây xin nói rõ thêm mấy điều:
Chúng ta, trước hết là những người có trách nhiệm hãy nhìn thẳng vào sự thật là: cải cách tiền lương, mặc dù có tiến hành nhưng chưa thể đáp ứng đời sống cơ bản của những người làm công ăn lương, nhất là ở lĩnh vực giáo dục, y tế.
Cần tăng lương mạnh hơn nữa để giữ chân và thu hút người có năng lực, tâm huyết với nghề nghiệp, hạn chế tình trạng "chảy máu" chất xám, vì nó đem lại thiệt thòi cho cả Nhà nước (vì đào tạo và tuyển dụng, rèn luyện) và cho cộng đồng, người dân (vì khó có cơ hội tiếp cận những thành quả về nhân lực có chuyên môn tốt).
Trả lương và thu nhập phải nhìn vào hiệu quả công việc chứ không phải máy móc phụ thuộc vào bằng cấp hay quan hệ...
Một nghịch lý lâu nay là muốn tăng lương thì phải tinh giản biên chế, nhưng việc này nói thẳng làm cũng chưa đạt như mong muốn. Nhìn vào bộ máy, có thể thấy có những bộ phận, những người làm không hết việc, có những bộ phận, những người khác rất nhàn rỗi nhưng lương bổng giống nhau và không dễ tinh giản nên còn nhiều vướng mắc, lúng túng.
Cần phải tinh giản con người, thu gọn bộ máy, giảm thiểu các đầu mối không cần thiết, kể cả với những cơ quan tự nhận là cần thiết, quan trọng nếu xét thấy không (hoặc chưa) thật cần thiết, cấp thiết thì chưa nên thành lập; đừng để chủ trương tinh giản bộ máy và con người mà có bộ, ngành, địa phương, lĩnh vực... ngày càng phình to.
Một cơ chế công bằng, minh bạch, đãi ngộ ngày càng xứng đáng để nâng cao trách nhiệm và năng lực cá nhân, đề cao đạo đức công vụ là mơ ước của bao người.
Và đó cũng là trách nhiệm hàng đầu của một Nhà nước đang phấn đấu thực sự để xây dựng Chính phủ, chính quyền kiến tạo, phụng sự nhân dân với chất lượng và đạo đức tốt nhất.