Thông tin được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu ra tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (gói 26.000 tỷ đồng) tổ chức ngày 26/12.
Báo cáo kết quả triển khai chính sách sau hơn 1 năm thực hiện, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong 45.665 tỷ đồng tiền hỗ trợ, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2022 đã điều chỉnh giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 389.800 đơn vị sử dụng lao động (tương ứng khoảng 11,6 triệu người lao động) với số tiền là 4.164 tỷ đồng.
Hay như chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đã hỗ trợ cho 2.037.065 người với số tiền là 6.631,233 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc đã thực hiện hỗ trợ cho 1.129.755 người, với số tiền là 1.129,755 tỷ đồng.
Với hộ kinh doanh, tính đến ngày 30/6, các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và hỗ trợ người lao động không giao kết hợp đồng lao động và lao động đặc thù đã hỗ trợ cho 508.127 hộ kinh doanh, với số tiền hỗ trợ 1.507,417 tỷ đồng.
Đánh giá chung, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các chính sách đã hỗ trợ một số lượng lớn đối tượng trong thời gian ngắn, góp phần duy trì ổn định cuộc sống của người lao động, hỗ trợ cho người sử dụng lao động sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng tổ chức triển khai thực hiện, có lúc, có nơi còn thiếu nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, một số cán bộ thực thi còn tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm, tiếp nhận, rà soát hồ sơ có nơi còn thiếu linh hoạt, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, cấp phát kinh phí hỗ trợ giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp ở một số địa phương có lúc chưa kịp thời.
Ngoài ra việc tổ chức triển khai thực hiện, có lúc, có nơi còn thiếu nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai. Một số cán bộ thực thi còn tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm. Việc tiếp nhận, rà soát hồ sơ có nơi còn thiếu linh hoạt, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, cấp phát kinh phí hỗ trợ giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp ở một số địa phương có lúc chưa kịp thời…
Trước đó, đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện và nhanh chóng lây lan trở thành đại dịch toàn cầu gây khủng khoảng y tế và xã hội. Tại Việt Nam, làn sóng dịch lần thứ tư bùng phát cuối tháng 4/2021 tác động mạnh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông lao động, nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế đất nước. Để hạn chế lây lan, các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly, hạn chế đi lại được thực hiện chặt chẽ trên phạm vi rộng, trong thời gian dài, nhất là ở TP.HCM, các tỉnh, thành phố miền Đông, miền Tây Nam Bộ và nhiều địa phương khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, việc làm của hàng chục vạn người lao động.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý 1/2021 đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó 540 nghìn người bị mất việc, 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập.
Với "mục tiêu kép" vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế và trên cơ sở các bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 năm 2020 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 1/7/2021 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 với 12 chính sách, tập trung vào 2 nhóm đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch COVID-19, chủ yếu là công nhân và người lao động trực tiếp.