Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 102.244 tài khoản chứng khoán trong tháng 9, giảm 34% so với tháng trước và chỉ bằng 1/5 so với giai đoạn bùng nổ hồi tháng 5-6 năm nay. Đây là lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội thấp nhất kể từ tháng 7/2021 và là tháng thứ 3 liên tiếp sụt giảm mạnh.
Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 102.144 tài khoản và các tổ chức mởi mới 100 tài khoản. Tính đến cuối tháng 9, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt hơn 6,5 triệu tài khoản, tương đương khoảng 6,5% dân số. Lũy kế 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 2,3 triệu tài khoản chứng khoán, vượt xa con số cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản).
Tuy nhiên, con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài thậm chí đóng tài khoản khiến số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài giảm xuống còn 42.068 tài khoản, giảm 31 tài khoản.
Số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước liên tục giảm mạnh cũng phần nào ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường thời gian gần đây. Theo thống kê, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE trong tháng 9 chỉ đạt 11.850 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng trước. Nhiều phiên giao dịch thậm chí còn khớp lệnh chưa đến 10.000 tỷ đồng. Tháng 9 cũng là tháng giảm mạnh nhất của VN-Index trong vòng 30 tháng kể từ khi xuống đáy COVID tháng 3/2020.
Động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các Ngân hàng Trung ương thế giới đã tác động mạnh đến dòng tiền vào thị trường tài chính toàn cầu. Trước áp lực tỷ giá do đồng USD leo thang, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành kể từ 23/9. Điều này được đánh giá đã ảnh hưởng đáng kể đến thanh khoản thị trường.
Thêm nữa, động thái tăng tốc hút tiền của Fed cũng đã tạo ra làn sóng rút vốn trên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thống kê cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng trên HoSE chỉ trong tháng 9 qua đó đảo chiều xu hướng sang bán ròng gần 2.400 tỷ đồng trong quý 3 trong khi quý 2 trước đó khối ngoại còn mua ròng mạnh hơn 9.100 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn khó khăn với nhiều thông tin bất lợi ảnh hưởng đến thị trường. Phiên giao dịch sáng 11/10, chỉ số giảm về 1.020 điểm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán VPS cho biết, thị trường đang trong pha điều chỉnh tồi tệ với nhiều người sẽ bị lo lắng nhưng với một số người đang chưa giải ngân hoặc có ít cổ phiếu thì đó lại là cơ hội. Có thể sẽ điều chỉnh thêm nhưng chiến lược đầu tư tích sản hoặc mua gom cổ phiếu chất lượng cao giá rẻ sẽ có thể bắt đầu từ tuần này.
Ông Khánh cho rằng, "sóng BCTC quý 3” có lẽ sẽ không xuất hiện khi thị trường đang bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực, thông tin có khả năng ảnh hưởng đến thị trường Bất động sản, nhóm cổ phiếu Ngân hàng là những cổ phiếu lớn có thể ảnh hưởng đến chỉ số.
“Tâm lý tiếp cận thị trường lúc này là rất quan trọng, kiểm soát tốt tâm lý đầu tư, quản lý danh mục an toàn sẽ giúp nhà đầu tư vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tôi đã nhìn thấy nhiều cơ hội để có thể đưa ra việc phân bổ dần danh mục tất nhiên là với tầm nhìn cho đến nửa đầu năm 2023”, ông Khánh nói.
Dự báo về chỉ số VN-Index, trong báo cáo mới phát hành chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng VN-Index sẽ được hỗ trợ mạnh tại mốc 1.000 – 1.060 điểm, tương ứng với P/E dự phóng cuối năm 2022 là 9,9x –10,5x. Vì vậy, những nhịp điều chỉnh tiếp theo sẽ mở ra cơ hội tích lũy những cổ phiếu tốt, với kì vọng đầu tư trung và dài hạn.