Ảnh minh họa |
Trong báo cáo về kết quả kinh doanh quý 2/2022 vừa cập nhật, VNDirect cho biết, tính đến ngày 26/7 đã có 590 công ty đã công bố kết quả kinh doanh, tương ứng với 34,2% tổng số cổ phiếu và 28,3% tổng vốn hóa toàn thị trường.
Đến ngày 26/7, tổng doanh thu và lợi nhuận của các công ty đã công bố kết quả tăng lần lượt 25,3% và 17,9% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm VN30 giảm 8,4% và HoSE giảm 0,3%.
Xét theo nhóm vốn hoá, nhóm vốn hoá lớn hơn 10.000 tỷ đồng có tăng trưởng doanh thu quý 2/2022 cao nhất với mức tăng 34,3%; tăng trưởng lợi nhuận ròng 24,9%. Nhóm vốn hoá vừa (vốn hóa trong khoảng từ 1.000 đến 10.000 tỷ đồng) ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 13,2% nhưng tăng trưởng lợi nhuận ròng lại ghi nhận mức âm 13,5%. Trong khi đó, tăng trưởng doanh thu của nhóm vốn hoá nhỏ hơn 1.000 tỷ đồng đạt 17,1% và lợi nhuận ròng quý 2 tăng trưởng 7,9%.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường là 27,4%; trong đó, HoSE tăng 24,4%; nhóm VN30 tăng 25,4%; nhóm vốn hoá lớn tăng 35,9%; nhóm vốn hoá vừa tăng 16,3%; nhóm vốn hoá nhỏ tăng 18,6%.
Xét theo nhóm ngành, tính đến thời điểm 26/7, nhóm dịch vụ hỗ trợ đang có tăng trưởng lợi nhuận ròng quý 2 dẫn đầu với mức tăng 1.501,3%. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, nhóm này tăng trưởng 847%.
Nhóm dầu khí đang xếp ở vị trí thứ 2 với mức tăng trưởng 448,5%; luỹ kế 6 tháng đầu năm tăng trưởng của cả nhóm đạt 228,8%.
Ở vị trí thứ 3 là nhóm hóa chất với mức tăng trưởng 178,7%, luỹ kế 6 tháng tăng trưởng 184,2%. Thứ 4 là nhóm đồ uống với mức tăng trưởng lợi nhuận 83,9% trong quý 2, luỹ kế 6 tháng tăng trưởng 79%. Thứ 5 là nhóm viễn thông với mức tăng trưởng lợi nhuận 67,2% trong quý 2 và 6 tháng tăng trưởng 90,2%.
Các nhóm thực phẩm, bán lẻ, điện và công nghệ lần lượt xếp ở vị trí 6,7,8,9. Trong khi đó, nhóm ngân hàng hiện đứng thứ 10 với tăng trưởng lợi nhuận 24,6% trong quý 2 và 36,7% trong 6 tháng đầu năm.
Ở chiều ngược lại, nhóm ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm trong quý 2 gồm dịch vụ tài chính -100,7%; bảo hiểm -96,6%; kim loại -61,1%; ô tô - 20,4%; giấy và lâm nghiệp -17,3%; khoáng sản -12,3%. Nhóm ghi nhận lỗ là du lịch và hàng không.
Vì đâu tăng trưởng lợi nhuận ròng nhóm VN30 giảm, nhóm vốn hóa lớn vẫn tăng?
Tính đến ngày 26/7, có khoảng 1/4 doanh nghiệp trong nhóm VN30 công bố kết quả kinh doanh quý 2. Trong đó, 3 ngân hàng Vietcombank (VCB), Techcombank (TCB), TPBank (TPB) đều ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số.
Cụ thể, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 7.423 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 5.942 tỷ đồng, đều tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietcombank 17.373 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 28% so với cùng kỳ.
Techcombank cũng ghi nhận lãi trước thuế hơn 7.312 tỷ đồng trong quý 2, tăng 22% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Techcombank thu được 14.106 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 22%.
TPBank báo lãi trước thuế 2.165 tỷ đồng trong quý 2, tăng 37% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, ngân hàng lãi trước thuế 3.788 tỷ đồng, tăng 26%.
Cùng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số trong quý 2 còn có Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và FPT với lãi sau thuế lần lượt đạt 378 tỷ đồng (tăng 71% so với cùng kỳ) và 1.562 tỷ đồng (tăng trưởng 24%).
Ở chiều ngược lại, lợi nhuận trước thuế quý 2 của VPBank (VPB) lại giảm 17% so với quý 2 năm ngoái, đạt 4.177 tỷ đồng. Dù vậy 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế của VPB vẫn tăng 70%, đạt 15.323 tỷ đồng.
Tương tự, Chứng khoán SSI (SSI) cũng chứng kiến lãi trước thuế quý 2 sụt giảm 26% so với cùng kỳ, đạt 416 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong nhóm VN30, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế quý 2 sụt giảm mạnh gần 59% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ đạt 4.023 tỷ đồng. Theo VNDirect, việc HPG công bố lợi nhuận ròng quý 2 giảm mạnh so với cùng kỳ đã kéo lợi nhuận toàn thị trường quý 2/2022 tính đến 26/7 giảm so với báo cáo trước (ngày 22/7).
Trong khi tăng trưởng lợi nhuận ròng nhóm VN30 tính đến ngày 26/7 giảm 8,4% thì lợi nhuận ròng nhóm vốn hóa lớn lại tăng trưởng 24,9%. Điều này có thể được lý giải bởi mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến của một số doanh nghiệp vốn hóa lớn như Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) hay Hóa chất Đức Giang (DGC).
Theo đó, đến hiện tại, BSR là công ty duy nhất ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng. Mức lãi trước thuế 10.466 tỷ đồng cũng là mức cao kỷ lục tính theo quý của công ty, cao gấp hơn 6 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng gấp gần 6 lần cùng kỳ, đạt 9.910 tỷ đồng.
Trong quý 2, DGC ghi nhận mức lợi nhuận theo quý cao kỷ lục, đạt 1.996 tỷ đồng lãi trước thuế và 1.894 tỷ đồng lãi sau thuế, đều cao gấp 4,6 lần cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, DGC ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.637 tỷ đồng và lãi sau thuế 3.401 tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Một số doanh nghiệp thuộc nhóm vốn hóa lớn nữa là Bất động sản Phát Đạt (PDR) và Tổng công ty cổ phần Viglacera (VGC) cũng báo cáo lợi nhuận sau thuế tăng mạnh trong quý 2. Theo đó, PDR báo lãi sau thuế hơn 408 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi VGC báo lãi sau thuế 691 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ 2021.