5 đặc trưng của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở "bản sắc" Việt Nam |
Ngày 1/10, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).
Tại Ngày hội, nhiều hội thảo, diễn đàn được tổ chức về 4 chủ đề chính mang tính thời sự: Doanh nhân và thế hệ trẻ Việt Nam trước làn sóng trí tuệ nhân tạo và công nghiệp bán dẫn; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam; cơ hội nghề nghiệp từ các công nghệ mới; hợp tác quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn.
Thủ tướng và các đại biểu thăm gian trưng bày sản phẩm đổi mới sáng tạo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2023, tăng 4 bậc so với năm 2022) và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 của Liên Hợp Quốc tăng 15 bậc, từ vị trí 86/193 quốc gia lên vị trí 71/193.
Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu khách quan không thể đảo ngược, là định hướng phát triển chung của thế giới hiện nay. Đối với Việt Nam, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, cũng như đóng góp của Việt Nam đối với quá trình phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo là yếu tố đặc biệt quan trọng với Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Việt Nam đứng trước cơ hội lớn, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, thách thức lớn nhất là năng lực cạnh tranh về công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới; cùng với việc các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể làm chủ hoàn toàn các công nghệ tiên tiến, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây…
Thủ tướng nêu rõ 3 quan điểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo gồm:
Thứ nhất, đổi mới sáng tạo phải là lựa chọn chiến lược, là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ trọng tâm, là ưu tiên hàng đầu thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững.
Thứ hai, đổi mới sáng tạo phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực chủ yếu, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Thứ ba, đổi mới sáng tạo phải dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám chấp nhận rủi ro, dám vượt lên chính mình, dám dấn thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì tương lai tươi sáng của đất nước.
“Đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ, không giới hạn, không có biên giới. Việt Nam phải bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong tiến trình đổi mới sáng tạo của nhân loại”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chỉ rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp chung thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế (chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo tiếp cận các nguồn lực tài chính và hạ tầng cần thiết cho sự phát triển...).
Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (nhất là hạ tầng chiến lược giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng giáo dục, đào tạo…).
Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (tăng cường phối hợp, liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp; tập trung thực hiện Chương trình đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn…).
Tăng cường thu hút các nguồn đầu tư tài chính (nhất là cho nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực, như AI, công nghiệp bán dẫn, năng lượng xanh, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức trong và ngoài nước…).
Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia (xây dựng hệ thống quản trị quốc gia hiện đại, chuẩn mực, kiến tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp).
Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế (vừa thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại, vừa đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, phát triển và tiến đến làm chủ công nghệ, phát huy vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của toàn cầu...).
“Tóm lại, thể chế phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản trị phải thông minh và hợp tác, trao đổi quốc tế chặt chẽ, hiệu quả”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chiến lược, cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với tinh thần tạo mọi thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.
Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp.
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặc biệt lưu ý những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương để có giải pháp phù hợp thúc đẩy đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân, nhất là thế hệ trẻ tham gia các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là tiếp cận với nguồn lực tài chính, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân tích cực tham gia một cách thiết thực, hiệu quả, cụ thể các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, giúp Việt Nam sớm theo kịp các nước trong khu vực, trên thế giới.
Thủ tướng khẳng định, với tinh thần “4 cùng”: “Cùng lắng nghe, thấu hiểu”, “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động”, “cùng làm, cùng thắng và cùng phát triển”, “cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào”, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước người dân và doanh nghiệp, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương luôn trân trọng lắng nghe và cảm ơn những ý kiến đóng góp để rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan.
TNCons Vietnam nhận giải thưởng “Nhà thầu xây dựng đổi mới sáng tạo tốt nhất Việt Nam” Ngày 16/11/2023, TNCons Vietnam vừa vinh dự nhận giải thưởng“Nhà thầu xây dựng đổi mới sáng tạo tốt nhất Việt Nam” do Dot Property Vietnam ... |
Khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tại Thành phố Hồ Chí Minh Ngày 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự Lễ khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) ... |
Lần đầu tiên chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của Việt Nam dẫn đầu thế giới Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) vừa công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index ... |