Thiếu hụt lao động cục bộ, điều tiết cung - cầu phù hợp
Theo các chuyên gia, Chính phủ cần có chính sách giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, ổn định thị trường lao động để sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, người lao động tìm kiếm việc làm sau Tết Nguyên đán, mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Hà Nội đã phối hợp với trung tâm DVVL 9 tỉnh, thành tổ chức phiên giao dịch việc làm (GDVL) trực tuyến.
Trong đó trung tâm DVVL 9 tỉnh gồm Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng. Theo tổng hợp, phiên giao dịch việc làm có 158 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 55.759 vị trí việc làm, trong đó tỉnh Bắc Giang có số việc làm cần tuyển dụng nhiều nhất với 44.789 vị trí, Bắc Ninh 2.540, Ninh Bình 2.473, Quảng Ninh 2.415, TP. Hà Nội với 1.139.
Các nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn là sản xuất điện tử (vị trí công nhân), may mặc, công nhân sản xuất nhựa, công nhân xây dựng, cơ khí – hàn, bán hàng – thu ngân…
Xét theo trình độ, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm tỷ lệ lớn nhất với 54.100 chỉ tiêu, còn lại là trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, và cao đẳng, đại học trở lên.
Các vị trí có mức lương từ 10 - 15 triệu đồng chiếm tỷ lệ tuyển dụng cao nhất với 27.561 việc làm. Đây là mức thu nhập của những chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lí, giám sát, trưởng - phó phòng dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao. Tiếp theo là mức thu nhập trên 15 triệu đồng trở lên với 10.586 vị trí.
Mức lương từ 7 - 10 triệu đồng có 8.957 vị trí. Đây là mức thu nhập của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề.
Mức lương từ 5 - 7 triệu đồng có 6.135 việc làm, đây là mức thu nhập dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, partime...
Còn lại là mức thu nhập thỏa thuận, đây là mức mà doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận trong quá trình phỏng vấn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động.
Cơ hội việc làm tại phiên giao dịch việc làm tập trung chủ yếu vào nhóm 18 – 25 tuổi. Đây là cơ hội cho người lao động trẻ nhiệt huyết với công việc qua đó sẽ đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Tại TP.HCM, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết tính hết ngày 1-2, toàn thành phố có hơn 94% DN hoạt động trở lại, với số lượng lao động đạt trên 98%. Qua khảo sát, 499 DN có nhu cầu tuyển trong quý I hơn 14.300 lao động, trong đó lĩnh vực may mặc - da giày 5.000 lao động, điện - điện tử 2.200 lao động, hóa nhựa 800 lao động... Trong tháng 2 này, Trung tâm DVVL thành phố tổ chức sàn GDVL trực tuyến kết nối các tỉnh ĐBSCL, Trung tâm DVVL Thanh niên TP.HCM phối hợp các đơn vị trên địa bàn tổ chức chương trình "Tiếp sức NLĐ"...
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, có hơn 85% DN hoạt động trở lại, trên 93% NLĐ đã quay lại làm việc. Sau Tết, Bình Dương ghi nhận hơn 150 DN có nhu cầu tuyển dụng khoảng 15.000 lao động.
Theo dự báo của Bộ LĐ-TB-XH, trong quý I và II/2023, thị trường tiếp tục ghi nhận sự thiếu hụt về lao động, chủ yếu diễn ra ở những ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, giày da, túi xách; một số ngành nghề có mặt hàng xuất khẩu và chủ yếu là ở DN có vốn đầu tư nước ngoài. Còn DN dân doanh và khu vực nhà nước sẽ không thiếu lao động. Các DN sử dụng lao động chất lượng cao, lao động có tay nghề với nhu cầu tuyển mới khoảng 400.000 lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định thiếu lao động chủ yếu ở các DN phía Nam, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh… Về cơ bản, thị trường lao động cả nước tương đối ổn định cả về quy mô và chất lượng. Tình trạng thiếu hụt lao động chỉ là cục bộ, do vậy việc điều tiết cung - cầu lao động cho phù hợp là vấn đề quan trọng trong lúc này.