Ứng dụng Thư viện 100 năm trên điện thoại |
Startup xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam là Nguyễn Châu Linh - nhà sáng lập Thư viện 100 năm thuộc Tập đoàn Hành trình Kim cương. Chị đến chương trình để kêu gọi đầu tư 5 tỷ đồng cho 5% cổ phần.
Hành trình Kim cương là doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực giáo dục công nghệ được sáng lập bởi các nhà lãnh đạo tâm huyết với giáo dục. Trước các câu hỏi làm thế nào để nâng cao văn hóa đọc cho người Việt, làm thế nào tiết kiệm chi phí trong công cuộc số hóa tri thức, làm thế nào nâng cao năng lực của nhân sự, tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, Thư viện 100 năm ra đời.
Nguyễn Châu Linh - nhà sáng lập Thư viện 100 năm |
Thư viện 100 năm tập hợp nhiều đầu sách được biên tập dưới nhiều loại hình khác nhau như ebook, audiobook, videobook, slidebook, coursebook… Người dùng cũng có thể đóng góp tài nguyên cho thư viện dưới sự giám sát chất lượng của các chuyên gia. Ngoài ra, theo giới thiệu của Châu Linh, Thư viện 100 năm cũng là kênh truyền thông giáo dục chất lượng, nơi tôn vinh các cá nhân, doanh nghiệp có những đóng góp cho cộng đồng.
Giải thích về ý nghĩa tên thương hiệu, Châu Linh cho biết Thư viện 100 năm khép trọn vòng nhân sinh của con người trong vòng 100 tuổi. Như vậy thư viện được chia làm 5 kho theo độ tuổi.
Thư viện 100 năm là nơi ghi nhận, biến tri thức thành di sản, mong muốn phụng sự xã hội. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng không tách rời bài toán kinh doanh để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư”, Châu Linh nhấn mạnh.
Tháng 4 vừa qua, Thư viện 100 năm hoàn thiện thư viện trên website, app và thu được 100 triệu doanh thu từ việc bán thẻ.
Thư viện 100 năm cũng có các gói branding CSR (làm thương hiệu trách nhiệm xã hội) cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể sử dụng thư viện này như một món quà để trao tặng cho nhân sự, cho cộng đồng.
Khi Shark Liên thắc mắc về điểm khác biệt của Thư viện 100 năm với các thư viện khác, Châu Linh tự tin khẳng định sản phẩm tích hợp nhiều loại hình sách. Cùng một cuốn sách có thể chuyển thể thành ebook, audiobook, videobook, tạo slide, xây dựng khóa học để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Nội dung của Thư viện 100 năm đến từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể do chính đội ngũ của Thư viện 100 năm viết sách, biên tập sách, dịch từ nhiều nguồn, mua từ các tác giả hoặc đặt hàng.
Shark Hùng Anh nêu ra vấn đề Việt Nam là quốc gia ít đọc sách, startup làm thế nào để có thể cạnh tranh được với sản phẩm của những hãng lớn. Nhân tố nào để startup tự tin rằng công việc kinh doanh có thể sinh ra lãi cho nhà đầu tư.
Châu Linh khẳng định: “Hiện tại, Shark có thể đi tìm và chưa thấy nền tảng nào vừa có audio vừa có video, vừa có ebook, vừa có coursebook. Vì chúng tôi còn hướng tới cả những người khiếm thính và những người khiếm thị”.
Shark Hùng Anh nhận định những gì startup tự tin quá đơn giản để thay thế. Chưa thấy được tiềm năng to lớn của dự án, Shark Hùng Anh quyết định không đầu tư.
Shark Liên không đầu tư nhưng ủng hộ sự phát triển của Thư viện 100 năm |
Châu Linh cho biết trong giai đoạn thứ 2, Thư viện 100 năm sẽ ứng dụng AI và blockchain để cá nhân hóa lộ trình đọc của người dùng trong từng giai đoạn phát triển. Ví dụ với học sinh, sinh viên, cần định hướng để tìm được trường phù hợp, ngành phù hợp. Người đi làm cần lộ trình để thăng tiến phát triển. Shark Erik cho rằng có thể sử dụng thuật toán để cá nhân hóa, không cần sử dụng AI.
Shark Hưng chỉ ra vấn đề “sinh tử” của startup bởi với một thư viện, đầu sách là quan trọng nhất nhưng để có số lượng đầu sách nhiều, chất lượng cao, có bản quyền sẽ tốn kém chi phí, nhất là với một doanh nghiệp xã hội.
Châu Linh cho biết Thư viện 100 năm không so sánh với các mô hình đang có trên thị trường, hướng đến câu chuyện đồng hành với người dùng trong tất cả giai đoạn và chặng đường phát triển, thư viện chỉ là một nền tảng, một công cụ.
Shark Hưng nhận định mô hình doanh nhân cộng đồng của startup thiên về vấn đề tạo ra giá trị mang tính tốt đẹp trong khi muốn tốt đẹp được, cần rất nhiều tiền. Do đó, dù đánh giá cao nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm của startup với cộng đồng, dưới góc độ là một Nhà đầu tư, ông từ chối ra deal cho thương vụ này.
Shark Erik không đồng tình với lộ trình công nghệ của startup. Ông nhận định các yếu tố như AI, blockchain còn khá mờ nhạt. Vì vậy, ông cũng từ chối đầu tư.