Grok AI và Deepseek đang thay đổi cách doanh nghiệp tuyển dụng và quản lý nhân sự như thế nào? |
Hiệu quả từ ứng dụng AI và làn sóng cắt giảm nhân sự
Theo Forbes, tổng chi phí tiết kiệm nhờ AI trên toàn cầu được dự báo sẽ vượt 6,6 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, chi phí lao động thường chiếm tỷ trọng lớn nhất, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm nhân sự để tối ưu hóa hiệu quả tài chính. Riêng trong năm 2024, hơn 150.000 việc làm trong lĩnh vực công nghệ đã bị loại bỏ. Đầu năm 2025, thêm 6.003 việc làm bị cắt giảm, cùng với 3.600 vị trí tại Meta - công ty mẹ của Facebook.
Tuy nhiên, ông Zac Engler - cựu quản lý của Apple, CEO của Bodhi AI, cảnh báo: “Doanh nghiệp có thể chịu thiệt hại nghiêm trọng nếu chỉ coi AI là công cụ sa thải nhân sự. Có một cái bẫy mà nhiều giám đốc điều hành mắc phải khi chỉ nhìn vào những lợi ích năng suất của AI mà bỏ qua các chiến lược dài hạn”.
![]() |
Theo ông Zac Engler - cựu quản lý của Apple, CEO của Bodhi AI, việc chỉ sử dụng AI như một đòn bẩy sa thải là sai lầm lớn của doanh nghiệp. |
Ông Engler đã đề xuất mô hình “Phân chia ba nhánh công việc AI” gồm: công việc chỉ dành cho AI (các nhiệm vụ có thể hoàn toàn tự động hóa), công việc kết hợp (AI hỗ trợ, nhưng con người vẫn đóng vai trò xác nhận và tinh chỉnh kết quả), công việc chỉ dành cho con người (những nhiệm vụ đòi hỏi tư duy sáng tạo và kỹ năng không thể thay thế bằng máy móc).
“Nếu doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc sa thải để giảm chi phí, họ có thể bỏ lỡ cơ hội tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững. Việc xác định đúng vị trí của AI trong doanh nghiệp không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn gia tăng giá trị cốt lõi. Thay vì nghĩ về AI như một công cụ để giải phóng 20% thời gian của họ bằng cách tự động hóa công việc bận rộn, hãy đảo ngược nó. Tìm ra cách AI có thể xử lý 20% công việc chiến lược cho phép công ty thúc đẩy 80% giá trị của tổ chức”, ông Engler nhấn mạnh.
77% doanh nghiệp đang đầu tư mạnh vào đào tạo lại nhân viên để làm việc cùng với AI
Khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy 41% công ty trên toàn cầu có kế hoạch giảm lực lượng lao động vào năm 2030 do AI. Tuy nhiên, 77% doanh nghiệp lại đang đầu tư mạnh vào đào tạo lại nhân viên để làm việc cùng với AI.
Bà Saadia Zahidi, Giám đốc điều hành WEF, nhận định: “Những đột phá mang tính chuyển đổi, đặc biệt là trong AI tạo sinh (GenAI), đang định hình lại các ngành công nghiệp và nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực”.
Báo cáo của WEF cũng nhấn mạnh sự gia tăng nhu cầu đối với các kỹ năng AI, với gần 70% doanh nghiệp lên kế hoạch tuyển dụng nhân sự có kỹ năng thiết kế và cải tiến công nghệ AI; 62% dự định tuyển dụng thêm người có kỹ năng làm việc tốt hơn cùng với AI.
Tác động chính của các công nghệ như AI tạo sinh đối với việc làm nằm ở tiềm năng tăng cường kỹ năng con người thông qua hợp tác giữa con người và máy móc, thay vì thay thế hoàn toàn, đặc biệt là các kỹ năng lấy con người làm trung tâm.
Bài học từ doanh nghiệp thành công với chiến lược AI đúng đắn
Một số doanh nghiệp đã cho thấy AI có thể được triển khai hiệu quả mà không gây ra làn sóng sa thải hàng loạt. Colgate-Palmolive và Rent a Mac là hai ví dụ tiêu biểu khi họ tập trung vào chiến lược tích hợp AI như một công cụ hỗ trợ thay vì thay thế hoàn toàn nhân sự.
Tại Colgate-Palmolive, thay vì áp đặt AI từ trên xuống, công ty đã thành lập một trung tâm AI nội bộ, cho phép nhân viên tự thiết kế và ứng dụng các trợ lý AI để hỗ trợ công việc hàng ngày. Điều này không chỉ nâng cao hiệu suất làm việc mà còn giúp giảm thiểu những công việc lặp lại, tạo ra môi trường làm việc chủ động hơn.
![]() |
Việc kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và kinh nghiệm của con người với sức mạnh của AI sẽ là hướng đi chiến lược cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. |
Rent a Mac cũng triển khai AI vào hệ thống quản lý hàng tồn kho, giúp cắt giảm 37% thời gian xử lý đơn hàng. Tuy nhiên, ban đầu, việc triển khai này vấp phải sự phản kháng từ nhân viên do lo ngại mất việc. Để khắc phục điều này, công ty đã xác định “những người tiên phong AI” - những nhân viên hiểu rõ về công nghệ và có thể giúp đồng nghiệp làm quen với các hệ thống mới. Sau khi áp dụng phương pháp này, mức độ chấp nhận AI trong công ty tăng từ 31% lên 89% chỉ sau 3 tháng.
Một nhân viên của Rent a Mac đã chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi rất lo lắng, sợ AI sẽ thay thế công việc của mình. Nhiều người thậm chí còn phản đối việc sử dụng hệ thống mới. Tuy nhiên, dần dần chúng tôi dần nhận ra rằng AI không phải là kẻ thù, mà là một người đồng hành. AI giúp chúng tôi xử lý công việc nhanh và chính xác hơn, giảm bớt những việc lặp đi lặp lại. Sau khi thấy được lợi ích thực tế, hầu hết mọi người đều chấp nhận và thậm chí còn yêu thích hệ thống mới”.
Ông David Hilborn - Giám đốc điều hành tại West Monroe Partners, nhận định: “Nếu không có kế hoạch truyền thông và đào tạo hợp lý, sự do dự và kháng cự của nhân viên có thể khiến việc triển khai AI thất bại”. Điều này cho thấy, rào cản lớn nhất không phải là bản thân công nghệ, mà là cách người lao động trong doanh nghiệp tiếp nhận nó.
Một khảo sát của blog Liberty Street Economics thuộc Cục Dự trữ Liên bang New York cho thấy, 43% người Mỹ tin rằng AI sẽ thu hẹp việc làm trong tương lai. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có chiến lược đào tạo rõ ràng và tạo cơ hội cho nhân viên nâng cao kỹ năng, AI có thể trở thành công cụ hỗ trợ thay vì mối đe dọa.
Có thể thấy, việc cắt giảm nhân sự do AI là một xu hướng tất yếu, nhưng cách mà doanh nghiệp triển khai AI mới là yếu tố quyết định thành công hay thất bại. Nếu AI chỉ được sử dụng như một công cụ cắt giảm chi phí, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với những hệ lụy tiêu cực như mất lợi thế cạnh tranh, giảm động lực làm việc của nhân viên và thậm chí là suy giảm chất lượng sản phẩm/dịch vụ.
Mô hình “Phân chia ba nhánh công việc AI” của chuyên gia Zac Engler có thể là một hướng đi phù hợp, giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi ích của AI mà không làm suy yếu nguồn nhân lực. Hơn nữa, các công ty cần thay đổi tư duy về AI, coi đây là một công cụ hỗ trợ chiến lược thay vì chỉ đơn thuần là giải pháp cắt giảm chi phí lao động.
Việc đào tạo lại nhân viên để làm việc cùng với AI không chỉ giúp doanh nghiệp tận dụng công nghệ tốt hơn mà còn đảm bảo tính bền vững trong phát triển. Một chiến lược AI thông minh không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng lâu dài, tạo ra một lực lượng lao động linh hoạt và sáng tạo hơn trong thời đại công nghệ số.
![]() Sự phát triển nhanh chóng của AI đang đặt ra câu hỏi lớn: “Liệu AI có thực sự là mối đe dọa đối với thị ... |
![]() Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra làn sóng thay đổi mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, và kế toán cũng không ngoại lệ. ... |
![]() Ngành chăm sóc khách hàng đang chứng kiến một cuộc cách mạng công nghệ khi trí tuệ nhân tạo (AI) dần thay thế con người ... |