Tổng giám đốc HSBC Việt Nam: Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,8% trong năm 2022 nhờ FDI bật mạnh
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ông Tim Evans - Ảnh: HSBC |
Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, ông Tim Evans vừa đưa ra một số dự báo về kinh tế và lạm phát cũng như một khuyến nghị chính sách cho Việt Nam năm 2022.
Ông Tim Evans nhận xét 2021 là một năm thật đặc biệt. Khi năm Canh Tí qua đi, mọi người đều mong năm mới Tân Sửu sẽ là một năm ổn định hơn khi chương trình tiêm chủng bắt đầu được triển khai. Quả thật, Việt Nam đã có một khởi đầu tốt đẹp đúng như kỳ vọng trong Quý 1/2021 khi kinh tế tăng trưởng tích cực nhờ xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là mặt hàng công nghệ.
Tuy nhiên, không ai lường trước được tác động khó lường của biến chủng Delta – nguyên nhân khiến nhiều tỉnh thành trên cả nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách với nhiều mức độ khác nhau và kết quả nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới mức các chỉ số GDP của quý 3 ghi nhận mức thấp kỷ lục, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu công bố số liệu GDP.
Là động lực chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn được duy trì mạnh mẽ và chỉ tới đợt giãn cách nghiêm ngặt trong năm 2021 mới bị ảnh hưởng nhẹ. Tổng vốn FDI đăng ký từ 1/1 tới 20/11 tăng 0,1% với 1.577 dự án được cấp phép mới còn tổng vốn thực hiện giảm 4,2%. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm tăng 17,5% giúp thặng dư thương mại có xuất siêu nhẹ.
Nhờ tiêu dùng gia tăng sau khi gỡ bỏ giãn cách, nhu cầu mua sắm trong nước phục hồi, lạm phát cơ bản trong tháng 11 tăng 0,11% so với tháng 10 và tăng 0,58% so với cùng kỳ năm trước, tất nhiên vẫn trong ngưỡng lạm phát mục tiêu do Chính phủ đề ra.
Khi nhìn về 2022 và năm Nhâm Dần sắp tới, mọi người đều hy vọng rằng với độ phủ vaccine nhanh chóng và rộng rãi khắp cả nước, ai cũng có thể sẵn sàng để cơn khủng hoảng mang tên COVID ở lại phía sau và viết tiếp câu chuyện tăng trưởng kinh tế tươi sáng của Việt Nam.
"Có ai ngờ, giờ đây thế giới lại đối diện với một biến chủng mới là Omicron – “thủ phạm” khiến các chuyên gia dự báo tình hình trong tương lai thực sự đau đầu. Trong khi thế giới chưa thực sự hiểu rõ về khả năng lây lan và gây bệnh của Omicron, nhiều quốc gia đã sớm áp dụng trở lại các biện pháp kiểm soát biên giới với nhiều mức độ khác nhau và nền kinh tế có khả năng sẽ phải gánh chịu hậu quả", Tổng giám đốc HSBC đặt vấn đề khi hướng về năm tới.
Nhìn lại tình hình hiện tại
Sau vài tháng khó khăn do phải áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt, tình hình đang ngày càng ổn định hơn. Chỉ số PMI phản ánh mức độ tự tin của các nhà sản xuất đã tăng lên 52,2 trong tháng 11 cho thấy điều kiện kinh doanh cải thiện tháng thứ hai liên tiếp sau thời kỳ giảm do đợt bùng dịch thứ tư khởi phát từ hồi tháng 4.
Hoạt động kinh doanh đã nhộn nhịp trở lại trong vài tháng qua và tâm lý vững tin đang dần trở lại bất chấp vẫn còn nhiều trở ngại do lao động chưa trở lại nhà máy. Chuỗi cung ứng của Việt Nam đã bị tác động bởi tình trạng thiếu nhân công trên diện rộng, đặc biệt trong các lĩnh vực cần nhiều lao động.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê trong giai đoạn từ tháng 7 tới giữa tháng 9 do các biện pháp giãn cách phòng dịch Covid-19. Hệ quả là 17,8% trong số 22.764 doanh nghiệp mà GSO khảo sát cho biết họ đang gặp phải tình trạng thiếu nhân công, trong đó nặng nề nhất là khu vực Nam Bộ với 30,6%. Mặc dù vậy, đơn hàng xuất khẩu mới cũng đã bắt đầu ổn định, các nhà sản xuất đang giải quyết các đơn hàng tồn đọng. Áp lực về giá cũng giảm nhẹ trong mấy tháng qua nhờ giá nguyên liệu thô bắt đầu hạ nhiệt.
"Liệu kinh tế Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ với đà tăng trưởng bền vững? Điều đó chưa ai dám nói chắc. Khi gián đoạn sản xuất và những áp lực dồn nén trong chuỗi ứng toàn cầu được “xả” bớt, sẽ bắt đầu nhìn thấy sự phục hồi mặc dù cần sẵn sàng đón nhận bất cứ dấu hiệu nào cho thấy xuất khẩu tăng trưởng chậm lại khi các thị trường phát triển bắt đầu chuyển dịch tiêu dùng từ hàng hóa sang dịch vụ", ông Tim Evans dự tính.
Và cũng cần nhìn lại kỹ hơn về lĩnh vực công nghệ vốn có tác động tích cực không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam. Đơn hàng điện tử tiêu dùng bắt đầu giảm nhẹ. Một phần nguyên nhân là trong những đợt giãn cách đầu tiên, các hộ gia đình trên thế giới đã chi tiêu mạnh tay để mua sắm từ máy tính xách tay tới thiết bị kết nối và TV mới tới máy chơi game.
Kết quả là nhu cầu bắt đầu giảm dần nhưng bù lại nhu cầu về điện tử công nghiệp cũng như linh kiện lắp ráp máy móc và các thiết bị sản xuất khác lại gia tăng. HSBC dự báo nếu cơn khủng hoảng COVID qua đi, thế giới sẽ có một chu kỳ đầu tư vốn lớn diễn ra trên diện rộng, đảm bảo nhu cầu điện tử công nghiệp sẽ duy trì mạnh mẽ và mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam.
Một động lực quan trọng ngày càng đóng góp nhiều cho kinh tế Việt Nam trước COVID chính là du lịch. Để tất cả các động lực kinh tế Việt Nam cùng khởi động, ở chừng mực nào đó chúng ta cần khôi phục lại lượng du khách.
Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách du lịch, đóng góp 33 tỷ USD vào GDP. Trước khi xảy ra Covid, Việt Nam được dự báo sẽ đón 20 triệu lượt khách du lịch trong năm 2020, kỳ vọng sẽ đóng góp 36 tỷ USD cho GDP, tương đương 14% tổng GDP. Tới tháng 11/2021, Việt Nam mới chỉ đón 140.106 lượt khách nước ngoài, tương đương mức giảm trên 96%.
Động lực kinh tế này đã nguội lạnh trong 24 tháng qua nhưng với tình hình biến chủng Delta đang dần yếu đi cùng với tỷ lệ phủ vắc-xin tăng lên, các cơ quan chức năng đã thảo luận về khả năng nới lỏng một số hạn chế du lịch và từng bước mở cửa lại biên giới. Ngành du lịch Việt Nam có tác động trực tiếp lên tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động trong nước.
Thách thức đặt ra trong năm 2022 là diễn biến khó lường của đại dịch COVID, đặc biệt với sự xuất hiện của biến chủng mới mang tên Omicron. Mặc dù số ca nhiễm mới của Việt Nam đã giảm mạnh khoảng 70% so với đỉnh dịch hồi tháng 8, con số này đang có dấu hiệu tăng trở lại và khả năng sẽ trì hoãn thời điểm thực sự mở cửa ngành du lịch, gián tiếp ảnh hưởng lên tiến độ khôi phục của cả nền kinh tế trong năm tới.
Hai lĩnh vực quan trọng với Việt Nam trong bối cảnh hậu COVID nhằm đảm bảo ngành tài chính của Việt Nam có thể phát huy tối đa tiềm năng để nắm bắt cơ hội là tài chính bền vững và số hóa.
Tài chính bền vững
Theo ông Tim Evans, năm 2021 chứng kiến những bước tiến tích cực trên thị trường tài chính xanh của Việt Nam với nhiều giao dịch lớn liên quan đến bền vững. Tuy nhiên, thị trường này mới đang ở giai đoạn non trẻ và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Việt Nam là quốc gia đón nhận lượng FDI lớn nhất ở ASEAN xét trên tỷ trọng với GDP. Các tập đoàn toàn cầu ngày càng chú trọng đến ESG và bền vững, họ sẽ đòi hòi một nguồn lực bền vững tốt hơn cả về chất lẫn lượng ở các quốc gia họ có hoạt động.
Đặc biệt, Việt Nam tiếp nhận giá trị đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất ở khu vực ASEAN và có tiềm năng nhất về khả năng phát triển năng lượng tái tạo trong khu vực đi kèm với tăng trưởng nhờ đầu tư nước ngoài.
Theo Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã năng động phát triển nhiều sáng kiến hỗ trợ phát triển tài chính xanh. Tháng 10 vừa qua, NHNN đã triển khai lấy ý kiến của các tổ chức tài chính góp ý vào Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư trên sẽ có hiệu lực thi hành 1/1/2022, các ngân hàng phải ban hành Quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng và gửi về NHNN, chính thức tạo ra khuôn khổ pháp lý chung cho tài chính xanh ở Việt Nam. Đến năm 2025, NHNN đặt mục tiêu phấn đấu it nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội và 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh. NHNN khuyến khích tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược tài chính xanh độc lập hoặc lồng ghép vào kế hoạch phát triển hàng năm của mình.
Đây là một động thái quan trọng nhằm thúc đẩy nỗ lực phát triển tài chính xanh của Việt Nam. Theo khảo sát do IFC và NHNN Việt Nam tiến hành, không nhiều ngân hàng Việt Nam có chính sách, quy trình hoặc hệ thống chính thức để quản lý rủi ro môi trường và xã hội của khách hàng. Một trong những rào cản lớn nhất là thiếu hướng dẫn cụ thể về xác định và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong tài trợ dự án.
Theo quan sát của HSBC, thị trường còn cần vượt qua một số trở ngại khác trong vài năm tới, trong đó bao gồm thiếu nhân sự có chuyên môn và kỹ năng, thị trường chưa có tiêu chuẩn thống nhất về tài chính “xanh” và phân loại đúng nghĩa, các đơn vị có tầm ảnh hưởng trên thị trường không thể hiện cam kết rõ ràng và mạnh mẽ, độ “vênh” về thời hạn giữa nhu cầu tài chính với nguồn vốn và dữ liệu ESG minh bạch không có.
Một vài đề xuất để NHNN có thể cân nhắc triển khai, theo đề xuất của Tổng giám đốc HSBC:
- Đối với thị trường tín dụng, NHNN có thể ban hành yêu cầu cụ thể cho từng công cụ tín dụng để ngân hàng phát triển khung tài chính xanh tốt hơn và ngân hàng chủ động lên kế hoạch.
- Cần phải có một khung pháp lý rõ ràng cho các công cụ thị trường vốn. Sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không phải là quy định chính thức.
- NHNN nên đặt ra mục tiêu rõ ràng về kết quả tài chính xanh cho từng ngân hàng, ví dụ như tỷ lệ số dư xanh chưa kết trên tổng sổ sách.
- NHNN có thể cân nhắc áp dụng trần tăng trưởng tín dụng cao hơn cho những ngành thuộc nhóm xanh hoặc hỗ trợ tài chính cho tín dụng xanh.
- Thêm ưu đãi để khuyến khích các ngân hàng trên hành trình xanh như nâng trần tăng trưởng tín dụng chung cao hơn cho những ngân hàng đạt hoặc vượt chỉ tiêu. Giảm trần tăng trưởng tín dụng cho những đơn vị không đạt cũng là một biện pháp có thể cân nhắc áp dụng.
- Không áp dụng hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với số dư xanh.
- Áp dụng kiểm tra giới hạn rủi ro khí hậu trên sổ sách ngân hàng, việc này có thể cho ra nhiều kết quả yêu cầu vốn khác nhau phụ thuộc vào tỷ trọng khoản cho vay xanh của từng ngân hàng
- Áp dụng công bố thông tin về môi trường trong báo cáo tài chính nhằm tăng trách nhiệm của các ngân hàng và công khai với các bên liên quan cách quản lý rủi ro tài chính
- Thiết lập diễn đàn chia sẻ để kết nối hai khối công và tư cùng hợp tác xây dựng một hành lang pháp lý hiệu quả cho tài chính xanh và các vấn đề về biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Số hóa trong ngành ngân hàng
2021 là một cột mốc quan trọng của ngành ngân hàng xét về tiến độ số hóa. Vốn dĩ, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để tiến xa hơn. Đó là một nền dân số trẻ, yêu thích công nghệ thúc đẩy nhu cầu về giải pháp công nghệ tài chính sẵn sàng nở rộ trong điều kiện cơ sở hạ tầng số phát triển tốt như mạng 3G/4G phủ gần như toàn quốc và số người sử dụng điện thoại di động cao.
Năm 2021, McKinsey thực hiện Khảo sát Dịch vụ Tài chính Cá nhân của về hành vi sử dụng ngân hàng số của khoảng 20.000 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng ở thành thị tại 15 thị trường châu Á-Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Kết quả cho thấy tỷ lệ khách hàng Việt Nam dùng các công cụ ngân hàng số ít nhất một lần trong tháng đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2017 - 2021, từ 41% lên 82%.
Tỷ lệ sử dụng công nghệ tài chính và ví điện tử của Việt Nam tăng từ 16% trong năm 2017 lên 56% vào năm 2021. Bên cạnh đó, theo Ernst & Young, 42% ngân hàng Việt Nam sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số, 28% đã triển khai chiến lược số hóa trong hoạt động kinh doanh.
Chính phủ cũng rất chủ động hỗ trợ số hóa ngành ngân hàng. Trong tháng 5, NHNN ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNNphê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng dẫn ngành ngân hàng thực hiện chuyển đổi số như một nhiệm vụ trọng tâm. Việt Nam đặt tham vọng tới năm 2030, ít nhất 70% các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.Kết quả khảo sát của NHNN cho thấy 95% tổ chức tín dụng ở Việt Nam đã xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số hoặc trong quá trình hoàn thiện.
Một điều khiến năm 2021 trở nên đặc biệt quan trọng đó là chính đại dịch COVID-19 đóng vai trò như một yếu tố xúc tác giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ số hóa nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.
Trước khi COVID xuất hiện, tỷ lệ đón nhận số hóa của Việt Nam còn khá thấp vì khách hàng chưa nhìn thấy lý do thôi thúc họ phải đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng qua mạng bởi mọi người còn đang chấp nhận quy trình sử dụng giấy tờ và chữ ký sống. Khi Việt Nam áp dụng biện pháp giãn cách lần đầu vào tháng 4/2020, người dân mới nhận ra tầm quan trọng của ngân hàng trực tuyến và các dịch vụ trên mạng. Theo Ernst & Young, khoảng 85% người tiêu dùng đã sử dụng ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại thông minh để mua sắm hàng hóa, dịch vụ ít nhất một lần một tuần và 44% người tiêu dùng đã mua hàng hóa và dịch vụ trên các kênh mạng xã hội khi đại dịch xuất hiện.
Tại HSBC Việt Nam, có thể thấy rõ tỷ lệ sử dụng ngân hàng trực tuyến tăng mạnh với các giao dịch kinh doanh thương mại và nhu cầu sử dụng các nền tảng số khác của chúng tôi cũng tăng lên nhanh chóng vì khách hàng có thể thực hiện mọi giao dịch. Lợi thế phát sinh trong nghịch cảnh chính là COVID-19 đã thúc đẩy tỷ lệ chấp nhận và sử dụng ngân hàng số gia tăng. Giờ đây, đã đến lúc cần hành lang pháp lý nâng cấp, hoàn thiện nhanh chóng để kịp hỗ trợ quá trình số hóa đang diễn ra.
Theo quan sát của HSBC, nhiều ngân hàng ở Việt Nam cũng đã chủ động triển khai số hóa quy trình nội bộ như hệ thống giao dịch thời gian thực và các kênh đầu cuối như định danh khách hàng trực tuyến, thanh toán bằng mã QR… Một số ngân hàng cũng đã đưa vào kế hoạch ứng dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn, API mở, chuỗi khối hay trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam cần tiếp tục phát huy những gì đã làm được trong năm 2022 sắp tới vì nhu cầu khách hàng luôn biến đổi không ngừng và đại dịch COVID-19 còn chưa chấm dứt hoàn toàn. Mỗi ngân hàng cần tiếp tục đầu tư vào ngân hàng số để theo kịp nhu cầu và hành vi của khách hàng.
Bên cạnh đó, cũng cần giúp những người dân còn mang tâm lý e ngại thay đổi và lo lắng về an toàn trên không gian mạng. Theo McKinsey, 71% khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng Việt Nam sẵn sàng tiếp cận sản phẩm ngân hàng qua các kênh số hóa nhưng chỉ 23% đã thực sự hoàn tất các bước để mua sản phẩm của ngân hàng trực tuyến hoặc qua ứng dụng di động.
Thay đổi tư duy không phải một việc dễ dàng làm được ngay trong một sớm một chiều nhưng chúng ta cần lắng nghe những băn khoăn của khách hàng và thể hiện rõ phía ngân hàng sẽ hỗ trợ khách hàng ra sao khi họ bắt đầu thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch như hiện nay.
Trong tương lai, nhiều chuyên gia tin rằng chuyển đổi số sẽ là động lực quan trọng giúp phục hồi và phát triển kinh tế. Khi đó, ngành ngân hàng sẽ đóng vai trò không nhỏ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam.
Nhìn về tương lai
Khi đánh giá những tháng cuối năm và tình hình trong tương lai, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất từ đó thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam ký trong vòng hai năm qua bắt đầu mang lại trái ngọt.
Tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng và cụ thể là tầng lớp giàu ngày một gia tăng sẽ thúc đẩy tiêu dùng của Việt Nam từ đó mang lại thay đổi tích cực trong lĩnh vực tiêu dùng bởi người Việt Nam đã bắt đầu chi tiêu mạnh tay hơn cho giải trí và du lịch.
Cơ sở hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp tục “tiếp thêm nhiên liệu” cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tái tạo/năng lượng xanh sau khi chính phủ Việt Nam đã ra những tham vọng lớn sau Hội nghị COP26, cụ thể mục tiêu hướng đến của Việt Nam là tới năm 2045, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tới 75% tổng năng lượng sản xuất trong nước. Đây tất nhiên là một mục tiêu rất tham vọng nhưng nếu theo dõi tình hình ở Việt Nam thường xuyên, chúng ta sẽ hiểu vì sao không nên hoài nghi khả năng của Việt Nam và người dân trong việc đạt những mục tiêu và thử thách họ đặt ra cho bản thân.
Sẽ cần theo dõi sát sao một số vấn đề để tránh những tác động tiêu cực có thể xảy ra cho nền kinh tế trong tương lai. Một chỉ số cần giám sát kỹ là giá năng lượng đang tăng lên. Hệ quả kéo theo là chi phí vận chuyển gia tăng nhanh chóng và trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát trong nước. Quan điểm hiện tại của HSBC là nhu cầu trong nước phục hồi từng bước có thể bù đắp cho giá năng lượng cao, vì vậy, HSBC đánh giá lạm phát có thể tăng lên 3,5% trong năm 2022 và vẫn nằm trong ngưỡng cho phép của chính phủ.
Yếu tố bất ổn nhất vẫn chính là COVID mặc dù quan điểm cá nhân của tôi là trong tương lai, bất kỳ đợt bùng dịch nào cũng cần được kiểm soát bằng giải pháp hạn chế hoặc giãn cách khoanh vùng thay vì áp dụng trên diện rộng như nhiều nước đã triển khai trong năm 2021 và để lại hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế.