Đồng bằng sông Cửu Long "khát" một cảng biển đủ tầm cỡ
Ảnh minh hoạ |
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản tháng 3/2022 đạt 1,019 tỷ USD, tăng 59,8% về trị giá so với tháng 3/2021. Tính chung 3 tháng xuất khẩu thủy sản trị giá 2,523 tỷ USD, tăng 45,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) quý I/2022, xuất khẩu thủy sản đạt kết quả cao nhất so với quý I hàng năm từ trước tới nay, báo hiệu một năm xuất khẩu thủy sản có nhiều triển vọng tăng trưởng tốt.
Song, trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản có khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại do nhu cầu tiêu dùng thủy sản toàn cầu có thể sẽ chững lại với tác động của lạm phát và tình trạng khó khăn trong hoạt động vận chuyển, vì từ đầu năm 2022, giá cước vận tải biển đi các chặng Hoa Kỳ, châu Âu tiếp tục ở mức cao gây áp lực lên giá thủy sản.
Mong có một cảng biển đủ tầm cỡ tại khu vực ĐBSCL
Ông Trương Đình Hòe -Tổng thư ký VASEP cho biết, hiện có đến 85% lượng hàng thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL phụ thuộc vào các cảng ở TP.HCM và Vũng Tàu.
Ngoài việc trả phí cho các hãng tàu, cho bên giao nhận để lấy được container thì riêng phí vận chuyển hàng hóa từ nhà máy đến cảng để hạ bãi và lấy được bill… cũng đang là gánh nặng đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Vì vậy, họ mong muốn có một địa chỉ xếp hàng được thuận tiện hơn ở ĐBSCL để giảm bớt chi phí và quan trọng hơn hết là giảm thời gian để có thể chủ động trong việc vận chuyển hàng hóa.
Theo thống kê của VASEP trong năm 2021, tổng sản lượng thủy sản xuất khẩu của 10 tỉnh ĐBSCL có số lượng tờ khai hải quan đạt trên 120.000 tờ khai, (chỉ tính riêng hệ thống hải quan không tính hàng đi qua các khu vực), như vậy số lượng teu có thể ở mức trên 200.000, vì thủy sản xuất khẩu đa phần container 40 feet.
“Trải qua rất nhiều năm và VASEP với nhiều kiến nghị khác nhau và đều có cùng một nội dung là kiến nghị Chính phủ thiết lập một cảng biển đủ tầm cỡ và cảng ở khu vực Cần Thơ có thể tiếp nhận hàng hóa của 10 tỉnh ĐBSCL, không tính các tỉnh phía nằm gần TP.HCM", ông Hoà nhấn mạnh.
Theo ông Hoè, thứ nhất thủy sản xuất khẩu toàn bộ là hàng lạnh và phải được vận chuyển nhanh, ít trung chuyển rút ngắn thời gian để đảm bảo đúng độ lạnh cho container. Do vậy, thời gian là vấn đề doanh nghiệp thủy sản quan tâm hàng đầu nhưng hiện nay ĐBSCL không giải quyết được vấn đề này cho họ.
Thứ hai, doanh nghiệp có được bill càng sớm càng tốt, vì liên quan đến vốn và các vấn đề khác, nên tới nay dù rằng cảng Cái Cui có thể tiếp nhận hàng hóa nhưng chưa giải quyết được vấn đề thời gian, đó là chưa nói đến chi phí bốc dỡ hai đầu, ba đầu... làm tăng chi phí.
Do vậy, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là có một cảng ở tại ĐBSCL giúp giải quyết các vấn đề về vận chuyển cắt giảm chi phí và rút ngắn thời gian.
Để giải bài toán này, thời gian tới ĐBSCL phải tự mình đặt ra những chiến lược về logistics chứ không thể nào “ngồi chờ cảng Trần Đề hay luồng lạch thông thoáng để đưa tàu lớn vào”, Tổng thư ký VASEP nhấn mạnh.
Cần Thơ có thể trở thành một điểm trung chuyển hàng hóa lớn
Vẫn theo ông Hòe, có một điều rất đáng mừng là sắp tới đây Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (TCSG) sẽ triển khai một số các dịch vụ thậm chí “door to door”, và phí bill tại Cần Thơ.
Những việc này cần phải tính để dần để đưa Cần Thơ trở thành một điểm trung chuyển hàng hóa đủ năng lực giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp đang quan tâm chứ không phải chỉ đơn thuần là điểm trung chuyển hàng hoá. Ngày 01/4/2022 TP.HCM thu phí cảng biển và đây sẽ là lợi thế cạnh tranh cho các cảng ở Cần Thơ.
Bước đầu, có thể chọn cá tra đi Trung Quốc có sản lượng cao và mức tiêu thụ hàng tháng ổn định với số lượng lớn
Bước đầu, ĐBSCL có thể chọn một ngành hàng một đối tượng sản phẩm và một thị trường đối tượng để bắt đầu, và theo ông Hoè có thể chọn cá tra đi Trung Quốc. Đây là sản phẩm xuất khẩu có giá trị không cao nhưng sản lượng thì cao và mức tiêu thụ hàng tháng ổn định với số lượng lớn.
Từ đó có thể thiết lập các quy tắc để tính toán xây dựng cơ chế “một cửa” cho dịch vụ xuất khẩu bằng tàu biển và đảm bảo vấn đề thời gian, nhưng quan trọng hơn hết là phải đảm bảo được tính thông suốt trong suốt quá trình trung chuyển, vì nếu trong thời gian trung chuyển mà nhiệt độ container có vấn đề sẽ làm mất lòng tin của doanh nghiệp.
“Tôi nghĩ các vấn đề này không phải là chuyện vượt ngoài tầm tay đặc biệt là với TCSG, trong thời gian vừa qua đơn vị đã đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực công nghệ thông tin và đã thành công, thì cũng nên hỗ trợ và giúp đưa cảng Cần Thơ trở thành một cảng lớn, hay ít nhất trong thời gian này trở thành cảng trung chuyển để giúp tiết kiệm chi phí, và đảm bảo được các vấn đề mà doanh nghiệp xuất khẩu thủy ở ĐBSCL quan tâm và họ đang rất hy vọng trong tương lai gần sẽ có các lô hàng thủy sản xuất khẩu trực tiếp từ cảng Cái Cui hay cảng nào đó ở khu vực Cần Thơ để đi ra nước ngoài. Nếu chúng ta cứ chờ đợi cảng biển ở ĐBSCL hoàn chỉnh thì bây giờ không phải là lúc để bàn”, Tổng thư ký VASEP nhấn mạnh.