Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2019 |
Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KHĐT) và Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) vừa tổ chức cuộc đối thoại trực tuyến với doanh nhân kiều bào về xúc tiến đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài, thúc đẩy sức thâm nhập của hàng Việt Nam vào các kênh phân phối tại các nước.
Trong đó, Thái Lan là một thị trường rất gần gũi. Ông Phan Chí Thành, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, cộng đồng người Thái gốc Việt là một cộng đồng lâu đời, nhân văn, đoàn kết, hội nhập tốt với đất nước Thái Lan và có uy tín với chính quyền, nhân dân sở tại. Vì vậy, việc xúc tiến thương mại, đầu tư thông qua kết nối doanh nghiệp kiều bào tại Thái Lan là một kênh rất hiệu quả, vừa đạt kết quả kinh tế vừa tăng cường sự gắn bó lợi ích với quê hương đất nước một cách bền chặt.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng cho biết, những năm qua Bộ Công Thương đã kết hợp với hệ thống siêu thị Central rất lớn tại Thái Lan, nằm trong chương trình đưa hàng Việt vào các kênh phân phối nước ngoài. Chương trình đó rất quen thuộc với bà con Việt kiều ở Thái Lan, đặc biệt là Bangkok bởi trong nhiều năm qua
Bộ Công Thương cũng đã tài trợ cho hoạt động của nhiều đoàn doanh nhân Việt Nam sang tham dự hội chợ ở Thái Lan. Ngoài ra, còn chương trình nữa là chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Sau 5 năm tích cực triển khai đồng bộ, các chương trình cũng đã dành được kết quả mà qua đó góp phần xây dựng mạng lưới liên kết giữa nhóm doanh nhân kiều bào tại nhiều quốc gia khác nhau, đồng thời tạo được định hướng mang tính chất gợi mở và dẫn dắt cho doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài, đem tri thức công nghệ, kinh nghiệm và vốn về đầu tư tại Việt Nam ra nước ngoài.
Cũng như tại Thái Lan, với các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản rồi các nước Đông Âu, hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương đã có sự phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt kiều ở các khu vực thị trường này.
Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như bà con Việt kiều tại nhiều nước đã trở thành đại sứ của hàng hóa, nông sản của Việt Nam để quảng bá thương hiệu sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài. Tất cả những yếu tố này phát đi thông điệp rằng Việt Nam có nguồn hàng hóa vô cùng dồi dào phong phú.
Vài năm gần đây, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên toàn thế giới và làm đứt gãy gián đoạn những chuỗi cung ứng và hoạt động thương mại. Chính vì thế, phần lớn các hoạt động thương mại truyền thống trước đây phải hủy hoặc hoãn hoặc sang hình thức trực tuyến, nền tảng số.
Trong năm 2021, Bộ Công Thương đã tổ chức hàng nghìn cuộc kết nối, giao thương trực tuyến, hội nghị thương mại trực tuyến, giúp doanh nghiệp xuất khẩu tìm được bạn hàng mới, tiết kiệm chi phí xúc tiến thương mại và mở rộng được hướng tiếp cận đến nhiều thị trường như Mỹ, Nhật, hay các thị trường thuộc EVFTA, CPTPP hay ở Nam Á, châu Phi. Phương pháp tiếp cận này cũng sẽ được đẩy mạnh và duy trì ngay cả thời gian sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Một số ý kiến khác rất đáng quan tâm tại diễn đàn, đặc biệt về vấn đề xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trong nước tại thị trường nước ngoài.
Ví dụ, như việc ngành xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam nhiều năm trở lại đây không ngừng đạt được những thành công mới. Trong năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt hơn 15 tỷ USD, mức tăng trưởng ghi nhận đến 16,1% so với năm liền trước.
Tuy nhiên, các sản phẩm gỗ của Việt Nam đa phần xuất đi dưới thương hiệu của các doanh nghiệp nước ngoài lớn như Walmart hay IKEA chứ chưa có dòng sản phẩm mang thương hiệu riêng, khẳng định chỗ đứng vững vàng trên thị trường quốc tế và lợi nhuận thu về. Xét về nhiều lĩnh vực khác thì còn nhiều trường hợp tương tự.
Vì vậy đặt ra vấn đề, nhu cầu phát triển sản phẩm mang thương hiệu riêng của Việt Nam là vô cùng cần thiết, cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.