Tỷ lệ người lao động quay lại TP.HCM làm việc đạt khoảng hơn 1,9 triệu người (chiếm khoảng 96%) |
Thông tin được đề cập tại buổi họp báo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức chiều nay 10/2.
Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 9/2, có 515.816 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 514.909 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 907 trường hợp nhập cảnh.
TP hiện đang điều trị 618 bệnh nhân, trong đó có 35 trẻ em dưới 16 tuổi, 88 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 9/2 có 97 bệnh nhân nhập viện, 39 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 317.519), 4 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 20.389).
Đến ngày 9/2 tổng số vaccine đã tiêm mũi 1 là 8.106.421, mũi 2 là 7.294.716, mũi bổ sung 661.269, mũi nhắc lại 3.919.001.
Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin, đến nay, TP.HCM ghi nhận 92 ca nhiễm biến chủng Omicron và chưa ghi nhận ca tử vong nào trong số ca nhiễm biến chủng này.
Trao đổi về tình hình lao động sau Tết Nhâm Dần tại TP.HCM, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm cho biết, tính đến trưa 10/2, tỷ lệ người lao động quay lại TP.HCM làm việc đạt khoảng hơn 1,9 triệu người (chiếm khoảng 96%). Trong đó, tại các Khu chế xuất (KCX) và Khu công nghiệp (KCN) có 282.000/273.000 người; Khu công nghệ cao có 49.700/51.787 người; tại các doanh nghiệp ngoài KCX, KCN có khoảng hơn 1,6 triệu người.
Dự kiến, với tình hình hiện nay và việc tăng cường chính sách thu hút người lao động của các doanh nghiệp, đến sau ngày 13/2, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc ở các doanh nghiệp tương đối đầy đủ.
Theo thống kê của hệ thống dịch vụ việc làm TP, dự kiến nhu cầu lao động sau Tết cần thêm khoảng 30.000 người. Một số ngành có nhu cầu tuyển dụng cao như công nghệ thông tin, kinh doanh thương mại, dệt may, da giày, thủy sản… Mức lương từ 6 triệu đồng trở lên đối với lao động không chuyên môn, trình độ; mức lương từ 8 – trên 10 triệu đồng đối với lao động có tay nghề. Bên cạnh đó, người lao động cũng được hưởng thêm phụ cấp làm thêm giờ, cơm trưa, doanh thu theo sản phẩm…
Ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp (HEPZA) cho biết, số liệu mới nhất từ các doanh nghiệp trong KCN, KCX đăng ký nhu cầu tuyển dụng cho cả năm 2022 là 51.000 lao động. Trong đó doanh nghiệp FDI khoảng 41.000 người, doanh nghiệp trong nước khoảng 10.000 người; nhu cầu lao động phổ thông khoảng 35.000 người, lao động có tay nghề - trung cấp nghề khoảng 12.300 người và lao động có trình độ từ đại học trở lên khoảng 3.400 người.
Về phân chia theo ngành nghề, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao như may mặc (khoảng 18.500 lao động), giày da (8.500 lao động), cơ khí (4.000 lao động), điện – điện tử (2.600 lao động), chế biến (3.000 lao động) và những ngành còn lại khoảng 8.000 lao động.
Hiện nay, HEPZA đang phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm TP và Trung tâm Dịch vụ việc làm TP để hỗ trợ tiếp nhận đăng ký và giúp người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp.