VDSC nêu 3 tiền đề và 4 thách thức tăng trưởng nửa cuối 2022 |
Nhận định vừa được CTCK Rồng Việt (VDSC) đưa ra trong báo cáo vĩ mô chủ đề Vượt qua thử thách.
Tăng trưởng kinh tế quý 2/2022 đạt 7,7% so với cùng kỳ, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tăng 3,0%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,9% và dịch vụ tăng 8,6%.
Nhìn về nửa cuối năm, VDSC nhận thấy sức bật tốt của tăng trưởng kinh tế quý 2 sẽ tạo tiền đề để lạc quan về triển vọng về tăng trưởng nửa sau năm 2022 trên ba cơ sở: 1) lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn là động lực chính của tăng trưởng; 2) tiêu dùng của nền kinh tế phục hồi tốt hơn kỳ vọng và 3) mức nền thấp của nửa sau năm 2021.
“Với tăng trưởng kinh tế nửa sau năm 2022 dự báo sẽ vượt 8,0%, chúng tôi điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của năm nay từ mức 6,5% lên mức 7,5%”, VDSC đề cập tại báo cáo.
Công ty chứng khoán này cũng nêu 4 thách thức có thể kìm hãm tăng trưởng trong nửa cuối năm nay gồm: 1) bức tranh kém khả quan của kinh tế thế giới có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu và lĩnh vực sản xuất công nghiệp; 2) giá cả gia tăng ảnh hưởng đến sức cầu trong nước; 3) một số nhóm ngành có thể không đạt được sự khả quan như nửa đầu năm như tài chính, xây dựng và bất động sản và 4) rủi ro dịch bệnh trở lại.
Triển vọng lạm phát, lãi suất và tỷ giá
Báo cáo của VDSC đề cập, lạm phát cao kéo dài trên toàn cầu đang là yếu tố khiến cho bức tranh tăng trưởng của thế giới 2022-23 trở nên kém tích cực. Đầu tháng 6, World Bank điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ mức dự báo 4,1% cho năm 2022 còn 2,9%. Mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 dự báo khoảng 3%, trong đó tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế phát triển (Mỹ, EU, Nhật) nhưng cải thiện ở thị trường mới nổi và đang phát triển.
Trong một dự báo kém lạc quan hơn, IMF điều chỉnh giảm tăng trưởng của Mỹ trong năm 2022 và 2023 còn lần lượt 2,9% và 1,7% trong bối cảnh Fed nâng lãi suất nhanh và mạnh nhằm kiềm chế lạm phát. Fed trong cuộc họp tháng 6 dự phóng GDP Mỹ sẽ chỉ tăng 1,7% trong năm 2022-23, thấp hơn mức dự báo 2,8% cho năm 2022 và 2,2% cho năm 2023 đưa ra trong cuộc họp vào tháng 3.
Phóng chiếu bức tranh về gần hơn, công cụ đo lường tăng trưởng GDPNow của chi nhánh Fed tại Atlanta cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 2/2022 ước giảm 2,1%. Nếu dự báo này đúng thì kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật (GDP giảm 2 quý liên tiếp do nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng âm 1,5% trong quý 1). Điều này khiến một số nhà phân tích đưa ra dự báo chu kỳ tăng lãi suất của Fed có thể phải chậm lại hoặc thậm chí Fed phải hạ lãi suất ngay trong năm nay nếu trước đó đã tăng rất nhanh. Tuy nhiên, kịch bản này có lẽ vẫn chưa được phản ánh vào kỳ vọng của hầu hết các nhà đầu tư.
Đối với diễn biến trong nước, tiền đồng tiếp tục mất giá trong tháng 6 thêm 0,4% so với đồng USD sau khi đã mất giá khoảng 1% trong tháng 5. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tiền đồng đã mất giá khoảng 2% và hiện vẫn là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Nhằm kìm hãm sự mất giá của tiền đồng, NHNN đã bán ra khoảng 12-13 tỷ USD từ đầu năm đến nay, tương đương hơn 11% mức dự trữ ngoại hối đỉnh điểm vào cuối tháng 1. Đồng thời, trong tháng 6, NHNN đã khởi động lại kênh hút tiền thông qua nghiệp vụ bán tín phiếu. Từ ngày 21/6 đến 01/07, tổng lượng tiền NHNN hút ròng qua kênh tín phiếu đạt 107,6 nghìn tỷ đồng. Lãi suất phiên đấu thầu gần nhất đối với kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày lần lượt là 0,65% và 0,9%, thấp hơn đáng kể so với lãi suất kỳ hạn tương ứng trên thị trường liên ngân hàng.
Mặc dù liên tục hút ròng VND qua kênh bán ngoại tệ và thị trường mở, chênh lệch dương giữa lãi suất USD và VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng, cho thấy nhu cầu nắm giữ đồng USD trong hệ thống vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. VDSC cho rằng, trong ngắn hạn, NHNN sẽ tiếp tục sử dụng hai công cụ là dự trữ ngoại hối và hút tiền trên thị trường mở để tác động lên thanh khoản tiền đồng trong hệ thống, từ đó kiềm chế áp lực lên tỷ giá.
VDSC đánh giá, nửa cuối năm, biến động tỷ giá USD/VND sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến của hai rủi ro mang tính đối trọng là: 1) lạm phát toàn cầu tiếp tục duy trì ở mức cao vượt kỳ vọng và 2) rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ và thế giới.
“Nếu kịch bản nghiêng về hướng suy thoái, áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt và ngược lại. Nếu cả hai điều này xảy ra, chúng tôi cho rằng áp lực mất giá với tiền đồng cũng sẽ hạ nhiệt với kỳ vọng các NHTW lớn trên thế giới không thể tăng mạnh lãi suất khi nền kinh tế rơi vào suy thoái. Do đó, chúng tôi bảo lưu quan điểm tiền đồng chỉ mất giá 2-2,5% trong cả năm 2022”, VDSC nhận định.
Đơn vị này cho rằng, trong ngắn hạn, tỷ giá vẫn gặp nhiều áp lực khi chênh lệch lãi suất USD-VND vẫn khá cao, đồng thời các cân đối vĩ mô như cán cân thương mại, dòng vốn đầu tư nước ngoài không thực sự hỗ trợ, điều này có thể khiến tỷ giá tăng mạnh hơn mức kỳ vọng vào thời điểm cuối năm mà VDSC đưa ra.
Đối với công cụ lãi suất điều hành, VDSC cho rằng diễn biến lạm phát sẽ là yếu tố quyết định đến triển vọng nâng lãi suất của NHNN.
Trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,7% so với tháng trước, cao hơn kỳ vọng của VDSC. Tuy nhiên, lạm phát bình quân 6 tháng vẫn nằm trong kỳ vọng ở mức 2,4%. Lạm phát tăng tốc mạnh trong tháng 6 ngoài nguyên nhân chỉ số giá giao thông tăng do giá xăng dầu thì tác động của giá xăng cao và các yếu tố đầu vào bắt đầu thể hiện qua việc tăng tốc của chỉ số giá thực phẩm, tăng 0,8% so với tháng trước. Đây cũng là mức tăng theo tháng cao nhất kể từ cuối năm 2019, nếu không kể đến ảnh hưởng yếu tố tăng giá trong các kỳ lễ tết lên nhóm hàng này. Sự phục hồi của hoạt động du lịch nội địa cũng phản ánh vào chỉ số giá tiêu dùng qua diễn biến tăng giá của nhóm dịch vụ ăn ngoài, hay giá vận tải hành khách bằng đường hàng không.
Như đã đề cập trong các báo cáo trước, lạm phát nửa cuối năm sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến chỉ số giá nhóm thực phẩm và nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng. Hiện tại, VDSC đang nhìn thấy xung lực trái chiều từ hai chỉ số giá này, với chỉ số giá thực phẩm tiếp tục tăng trong khi chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng giảm nhẹ.
Ngoài ra, kịch bản giá dầu cũng ảnh hưởng đến kỳ vọng lạm phát cả năm. Với thặng dư NSNN đạt gần xấp xỉ 220 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ sẽ có dư địa để giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu nhằm hạn chế đà tăng của giá xăng dầu trong nước, trước hết là thuế bảo vệ môi trường trong tháng 8.
Trường hợp giá dầu vẫn duy trì ở vùng 120-130 USD/thùng từ nay đến cuối năm thì lạm phát cả năm dự báo ở mức 4,5%, cao hơn 50 điểm cơ bản so với trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-6 tháng.
VDSC cho rằng, hiện tại, NHNN vẫn đang gánh vác việc duy trì lãi suất thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong giai đoạn hậu COVID-19, với áp lực lạm phát và tỷ giá như hiện nay, NHNN sẽ cần thời gian quan sát thêm trước khi có quyết định nâng lãi suất điều hành.
“Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng việc nâng lãi suất điều hành có thể được thực hiện vào đầu năm 2023 với mức tăng 50 điểm cơ bản. Ở kịch bản thận trọng hơn, chúng tôi cho rằng việc điều chỉnh lãi suất điều hành có thể đến sớm hơn, khoảng quý 4/2022, nếu giá dầu tăng mạnh lên mức trên 130 USD/thùng và duy trì đủ lâu ở vùng này khiến lạm phát tăng nhanh hơn dự báo”, VDSC cho biết.