Trước thềm phán quyết của Fed: Khác biệt chính sách và áp lực
Thị trường bước vào tuần giao dịch mới với tâm điểm chú ý: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có cuộc họp chính sách định kỳ, cùng phán quyết về lãi suất mà cả thế giới chờ đợi từ đầu năm đến nay.
Hầu hết các dự báo thời gian qua đều xác định Fed sẽ lần đầu tiên nâng lãi suất kể từ khi đại dịch COVID-19 xẩy ra; chính sách tiền tệ bắt đầu đảo chiều.
Điểm đến dự kiến trên ảnh hưởng ra sao đến Việt Nam, tác động đến dòng vốn ngoại, ứng xử của chính sách nếu có?
BizLIVE có cuộc trao đổi với ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam về dự kiến sự kiện trên.
Thưa ông, đầu năm 2022 đã có nhiều dự báo Fed đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất cũng như mức độ tăng mạnh hơn. Nếu vậy, ông dự báo những tác động đến Việt Nam sẽ như thế nào?
Fed trong cuộc họp gần nhất cũng như trong các phát biểu gần đây đã báo hiệu về lộ trình tăng lãi suất bắt đầu từ tháng 3. Với việc chỉ số CPI cơ bản đã tăng lên mức cao mới là 6,0% so với cùng kỳ vào tháng 1, Fed sẽ tìm cách thắt chặt chính sách tiền tệ đủ để kiềm chế lạm phát vào cuối năm nay.
Trong bối cảnh lạm phát đang tăng rất nóng, không loại trừ Fed sẽ tăng lãi suất với mức độ nhiều hơn và sớm hơn so với dự kiến ban đầu. Cụ thể, Fed đang đứng trước kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua cả tăng lãi suất cơ bản và thắt chặt định lượng.
Lợi suất trái phiếu của Mỹ đã bắt đầu phản ánh điều này với lợi suất trái phiếu chính phủ 2 năm tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ. Điều này diễn ra trong bối cảnh lạm phát của Mỹ gần đây đã chạm mức cao nhất trong 40 năm và chỉ số USD index đã biến động rất mạnh trong ba tuần đầu tiên của năm 2022.
Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC (HSBC Global Research) kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu với đợt tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3 và dự kiến sẽ có thêm 5 đợt tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào năm 2022 (tại các cuộc họp chính sách tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 12), nâng phạm vi mục tiêu của lãi suất cơ bản từ 0-0,25% lên 1,50-1,75%. HSBC Global Research vẫn kỳ vọng sẽ có thêm hai lần tăng 0,25 điểm phần trăm nữa vào năm 2023 (vào tháng 3 và tháng 9), nâng phạm vi mục tiêu của lãi suất cơ bản lên 2,00-2,25%.
Với khả năng về việc Fed đẩy nhanh cả về thời gian và mức độ tăng lãi suất, trong vai trò là nền kinh tế đầu tàu của thế giới cùng với vai trò dẫn dắt của đồng bạc xanh, Việt Nam sẽ chịu những tác động nhất định, cả trực tiếp và gián tiếp.
Một kịch bản dễ nhận thấy là khi Fed tăng lãi suất có thể dẫn đến sự dịch chuyển của dòng vốn. Trong hai năm trở lại đây, vốn ngoại trên thị trường chứng khoán vẫn duy trì xu hướng bán ròng, một động thái nằm trong xu hướng chung ở các thị trường mới nổi và cận biên. Cùng với việc lãi suất USD cao hơn, điều này sẽ tạo áp lực lên tỷ giá trong nước.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam, các tác động này đa phần tương đối hạn chế, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, chủ động.
Fed thường có định hướng về lộ trình tăng lãi suất để thị trường chủ động hơn trong đón nhận và nắm bắt, nhưng có những điểm gì cần chú ý đối với nhà điều hành, doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Việt Nam, theo quan điểm của ông?
Với kịch bản mặt bằng lãi suất tại Mỹ tăng cao hơn, trong khi đó tại Việt Nam, việc Chính phủ và NHNN với mục tiêu tạo điều kiện cho khôi phục mức độ tăng trưởng của nền kinh tế trong nước, sẽ tạo ra những khác biệt về chính sách. Những khác biệt này sẽ tạo ra những áp lực về vận động của dòng vốn, cũng như hoạt động kinh doanh sản xuất và thương mại, phản ánh qua những biến động của tỷ giá và lãi suất.
Ngoài ra, rủi ro lạm phát ở châu Á cũng đang có xu hướng tăng ngược trở lại, đặc biệt là trong bối cảnh giá năng lượng leo thang. Ngay cả khi áp lực lạm phát tại khu vực, bao gồm Việt Nam, không lớn như tại Mỹ hay các khu vực khác trên thế giới, đã có những tín hiệu về sự gia tăng của lạm phát trong tháng 2. Những yếu tố này đặt ra một số thách thức nhất định đối với nhà điều hành trong nước.
Các thông tin cùng những hoài nghi xung quanh lộ trình tăng lãi suất đã và đang tạo ra nhiều biến động trên thị trường tài chính thế giới, với mức độ biến động mạnh hơn và sâu rộng hơn, ảnh hưởng tới nhiều loại tài sản và nhiều nhóm ngành nghề khác nhau. Ngoài ra, những biến số khó lường như bất ổn về địa chính trị, cùng những câu chuyện về đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn chưa được giải quyết, khiến cho xu hướng điều hành chính sách lãi suất của Fed có nhiều yếu tố khó đoán định hơn.
Vì vậy, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần chủ động trong việc lên phương án kinh doanh phù hợp, trong đó bao gồm các phương án phòng ngừa rủi ro, đặc biệt là rủi ro lãi suất và rủi ro tỷ giá.
Như ông đề cập ở trên, cụ thể hơn về tác động của xu hướng Fed tăng lãi suất, nếu nhanh hơn và mạnh hơn, đối với rủi ro vốn ngoại đảo chiều tại Việt Nam sẽ như thế nào?
Với kịch bản Fed tăng mạnh và nhanh hơn lãi suất sẽ vô hình chung ảnh hưởng đến xu hướng điều hành lãi suất của các ngân hàng trung ương do những tác động lên cân đối kinh tế vĩ mô như tỷ giá, lãi suất, cán cân thương mại. Ngoài ra, xu hướng Fed tăng lãi suất sẽ tạo tâm lý phòng thủ cho nhà đầu tư, từ đó cũng ảnh hưởng tới động lực tăng trưởng chung cho thị trường.
Riêng ở Việt Nam, khối ngoại đã bán ròng trong hai năm vừa qua. Việc Fed có khả năng tăng lãi suất sẽ tạo ra rủi ro gia tăng của xu hướng này. Tuy nhiên, các yếu tố tích cực đến từ bức tranh kinh tế vĩ mô ổn định, dòng vốn FDI tăng trưởng tích cực và chính sách điều hành linh hoạt là động lực có thể giúp cân bằng xu hướng này.
Bình quân vài năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng bình quân khá hấp dẫn, vì vậy, những tác động từ yếu tố bên ngoài có thể phần nào chậm lại đà thu hút vốn, tuy nhiên khó có thể đảo ngược lại xu hướng trong trung và dài hạn.
Cuối năm 2021 đầu 2022, tỷ giá USD/VND có những đợt biến động rất mạnh, và VND lên giá đáng chú ý hai năm gần đây. Dự báo thêm tác động mới của Fed, ông trù tính thế nào về biến động tỷ giá?
Tỷ giá đang trải qua nhiều biến động, đến từ tác động của Fed khiến đồng USD leo thang. Ở phía ngược lại, Trung Quốc đã và đang thực hiện nhiều biện pháp thông qua chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng để khôi phục kinh tế vốn đã bị chậm lại do tác động của chiến dịch “zero-COVID”.
Đứng trước các biến động trên thị trường quốc tế kể trên, tỷ giá USD/VND trong nước có khả năng sẽ trải qua nhiều biến động theo cả hai chiều. Cụ thể, tỷ giá đã giảm từ vùng giá 22.800-22.825 về quanh mức 22.625 trước khi lại bật tăng trở lại vùng giá 22.830 vào thời điểm đầu tháng 3.
Những biến động tỷ giá đến từ cả các yếu tố bên ngoài kể trên cũng như các thay đổi về chính sách tỷ giá của NHNN thông qua việc thay đổi giá mua và giá bán USD trong thời gian qua. Trong nước, cán cân thương mại thâm hụt trở lại trong hai tháng đầu năm cũng châm ngòi cho đà tăng lại của tỷ giá.
Với những biến động và sự phân hóa về các chỉ số kinh tế vĩ mô cũng như chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc – hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – rủi ro về biến động tỷ giá trong thời gian tới là tương đối rõ nét.
Tuy nhiên, chính sách tỷ giá của NHNN tiếp tục vận động theo hướng linh hoạt, thích ứng với những biến số mới trên thị trường, các yếu tố nội tại của kinh tế Việt Nam cũng tiếp tục cho thấy đà hồi phục. Một số tín hiệu có thể kể đến như: sản xuất công nghiệp tháng 02/2022 tiếp tục khởi sắc với mức tăng 8,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; vốn FDI thực hiện tháng 2 tăng 7,2% so với cùng kỳ 2021; và kỳ vọng lạm phát tăng dưới chỉ tiêu 4% trong năm nay. Các yếu tố kể trên có thể góp phần giúp xu hướng trung và dài hạn của tỷ giá ổn định hơn.
Với dự kiến đường hướng thắt chặt của Fed, cũng như lãi suất thực tế đã và đang tăng lên tại Việt Nam, có thể nói thời bơn tiền và “tiền rẻ” đã thực sự trôi qua không, thưa ông?
Quan điểm “diều hâu” trong chính sách điều hành lãi suất của Fed cùng những căng thẳng địa chính trị đã tạo ra nhiều quan ngại về xu hướng lãi suất trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Thực tế, thị trường quốc tế đã chứng kiến những mức biến động sâu và rộng hơn cả giai đoạn đầu của dịch COVID-19. Tuy nhiên, thị trường tài chính trong nước, đặc biệt là mặt bằng lãi suất bình quân tại Việt Nam, vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Các động lực kinh tế vĩ mô, bao gồm việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động của NHNN, dòng vốn đầu tư “nóng” không xuất hiện nhiều là một trong nhiều yếu tố củng cố thêm cho xu hướng này. So sánh với mức độ lạm phát ở Mỹ, chỉ số CPI tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng là thấp hơn khá đáng kể. Mặc dù lạm phát có xu hướng tăng trở lại ở một số quốc gia trong khối ASEAN (ví dụ như Thái Lan và Singapore), lạm phát ở Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại là không quá quan ngại. Vì vậy, nhóm Nghiên cứu HSBC vẫn đặt mức dự báo lạm phát trung bình năm 2022 ở mức 3%, dưới mức chỉ tiêu lạm phát 4% mà Quốc hội đề ra.
Ngoài ra, ở khía cạnh thị trường, mức độ biến động của các tài sản giao dịch không quá mạnh cùng với câu chuyện tăng trưởng khiến tốc độ tăng lãi suất thực tế tại Việt Nam không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sự gia tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Chính sách điều hành được kỳ vọng sẽ tiếp tục theo xu hướng chủ động, linh hoạt, và bám sát diễn biến thực tế trên thị trường, với mục đích duy trì đà tăng trưởng kinh tế cũng như kiềm chế lạm phát, đồng thời để tránh xảy ra những cú sốc về biến động giá trong nước.
Xin cám ơn những chia sẻ của ông.