Trong năm 2023, nếu kinh tế thế giới ổn định, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thuận lợi thì cả vốn đăng ký và vốn thực hiện FDI vào Việt Nam sẽ tăng tốc.
Tuy vậy, Chính phủ cùng các bộ ngành và địa phương cần chủ động theo dõi và đánh giá các xu hướng dịch chuyển đầu tư toàn cầu và vào Việt Nam, từ đó điều chỉnh chính sách phù hợp để thu hút vốn FDI chất lượng.
Hình minh họa |
Vốn FDI thực hiện liên tục tăng qua các năm
Đầu tư vào Việt Nam từ năm 1995, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam Binu Jacob cho biết, tính đến nay, tổng vốn đầu tư vào Việt Nam đạt 730 triệu USD. Ngoài những lợi thế về vị trí địa lý và dân số trẻ, dồi dào, thì Việt Nam đã chứng tỏ sức hút mạnh mẽ với vai trò là điểm đến đầu tư trong tầm nhìn dài hạn và bền vững thông qua nền kinh tế chính trị ổn định và linh hoạt. Đây là yếu tố hàng đầu thu hút một nhà đầu tư FDI.
“Chỉ trong vài năm trở lại đây, Chính phủ Việt Nam đạt được nhiều thành công trên mặt trận hội nhập kinh tế quốc tế với viêc gia nhập một loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTTP…. Không chỉ như vậy, Chính phủ Việt Nam cũng chứng tỏ sự quyết đoán trong điều hành và không ngần ngại đưa ra quyết định can đảm và mạnh mẽ trong nhiều hoàn cảnh”, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam đánh giá.
Nhận xét về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2022, bà Phí Thị Phương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê, Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng đầu tư đã giảm so với năm 2021 do khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu giảm sút.
“Dù dịch COVID19 đã được kiểm soát, song có nhiều yếu tố như là xung đột giữa Nga - Ukraina, áp lực lạm phát cũng như giá cả leo thang, nhu cầu tiêu dùng giảm, điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt hơn và việc đứt gẫy chuỗi cung ứng chưa được khắc phục hoàn toàn… đã áp lực lên dòng vốn đầu tư toàn cầu và phần nào ảnh hưởng lên đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, bà Nga lý giải.
Tính đến ngày 20/12/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN)) ước đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước.
Tuy vốn FDI đăng ký giảm, song bà Nga cho rằng, thu hút FDI vào Việt Nam có những tín hiệu tích cực. Về vốn điều chỉnh, có 1.107 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 12,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 10,12 tỷ USD (tăng 12,2% so với cùng kỳ).
“Các nhà ĐTNN đã đưa ra quyết định đầu tư thêm vốn để mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong bối cảnh thu hút vốn FDI cấp mới và GVMCP. Điều này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với các chính sách vĩ mô kinh tế Việt Nam ổn định và là điểm đến an toàn”, bà Nga nhìn nhận.
Ở góc độ khác, tỷ lệ vốn thực hiện và vốn đăng ký qua các năm vẫn tăng trưởng liên tục qua các năm. Trước năm trước 2019, tỷ lệ này thường ở mức từ 50 – 60%; từ năm 2020 đạt trên 70%, năm 2021 giảm xuống 63% (nếu loại trừ 2 dự án tỷ đô với vốn đăng ký 4,41 tỷ USD thì tỷ lệ này đạt 73,8%) và năm 2022 đạt 88,8%.
“Điều quan trọng, trong khi vốn đăng ký giảm, thì vốn đầu tư nước ngoài giải ngân lại đạt tới gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy không phải là mức tăng cao nhất trong năm so với cùng kỳ, song là tín hiệu tốt cho thấy các doanh nghiệp đang dần phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh sau đại dịch”, bà Nga phân tích.
Điều chỉnh chính sách phù hợp để thu hút vốn có chất lượng
Sau 26 năm hoạt động và đầu tư vào Việt Nam, ông Krishnakanth Kodukula, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà thép tiền chế Zamil Việt Nam cho biết, đến nay doanh nghiệp đã mở được 2 nhà máy ở hai miền Nam - Bắc, cung cấp cho thị trường 120.000 tấn thép tiền chế mỗi năm, với 7.000 dự án đã được hoàn thiện kết cấu thép.
Trong năm 2023, lãnh đạo Zamil Steel cho biết đang xây dựng một kế hoạch nghiêm túc trong việc mở rộng tại Việt Nam.
“Việt Nam có một nền kinh tế chính trị ổn định, dân số trẻ, giá nhân công cạnh tranh, cùng với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ trong việc tạo môi trường thuận lợi cho sự hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Đây chính là những lợi thế cạnh tranh khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ các nền kinh tế lớn”, Tổng giám đốc Tập đoàn Zamil Steel lý giải.
Trong thời gian tới, đại diện doanh nghiệp này cho rằng dòng, vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ tăng cao khi Việt Nam đang dần vươn lên trở thành công xưởng mới của thế giới.
“Với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng và sự thay đổi của kinh tế chính trị trên toàn cầu, sẽ có ngày càng nhiều các công ty đa quốc gia tìm kiếm sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam sẽ là một điểm đến hoàn hảo cho các nhà sản xuất nhờ vị trí chiến lược, lực lượng lao động cạnh tranh và chi phí sản xuất”, ông Krishnakanth Kodukula dự báo.
Thời gian tới, Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam nên ưu tiên đào tạo và nâng cao tay nghề của lực lượng lao động cho nhiều ngành nghề, trong đó nên bao gồm cả các ngành nghề mới như: chế tạo linh kiện điện tử, robot, trí tuệ nhân tạo...
“Việc này sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư vào nhiều lĩnh vực công nghệ cao, nhiều thặng dư như công nghệ, điện tử, sinh học...”, đại diện Zamil Việt Nam kỳ vọng.
Bà Phí Thị Phương Nga cho rằng, trong năm 2023, nếu kinh tế thế giới ổn định, hoạt động đầu tư không khó khăn như hiện nay thì vốn đăng ký và vốn thực hiện tiếp tục tăng là điều chắc chắn.
Tuy vậy, để thu hút vốn FDI chất lượng, thì Việt Nam cần phải đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn lớn, tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán và thỏa thuận. Đặc biệt, các chính sách cần ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập các chuỗi đầu tư toàn cầu; xây dựng cơ chế với doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao; và ưu tiên với những doanh nghiệp chuyển giao công nghệ trong nước.
“Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước cũng cần tập trung nâng cao năng lực nội tại để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp vệ tinh, từ đó có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi toàn cầu”, bà Nga khuyến nghị.
Ngoài ra, Chính phủ cùng các bộ ngành cần chủ động triển khai xúc tiến đầu tư nhằm thu hút NĐNN, bằng cách tiếp tục chứng tỏ Việt Nam là điểm đến an toàn tin cậy và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đầu tư.
“Chính phủ cùng các bộ ngành và địa phương cần chủ động theo dõi và đánh giá các xu hướng dịch chuyển đầu tư toàn cầu và vào Việt Nam, từ đó điều chỉnh chính sách phù hợp để thu hút vốn đầu tư có chất lượng”, bà Nga nhấn mạnh.