Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bảo hiểm vì quyền lợi của người dân
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn |
Bảo hiểm ưu tiên cho đối tượng yếu thế
Quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới bao gồm cả ô tô, xe máy được thực hiện tại Việt Nam đến nay là 36 năm, kể từ năm 1988 sau khi Nghị định số 30-HĐBT ngày 10/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng được ban hành.
Hiện nay, mô tô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020, tổng số xe máy chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn.
Sau khi Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 được ban hành, căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan như: Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2023/NĐ-CP ngày 6/9/2023 về bảo hiểm bắt buộc, trong đó có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Bộ trưởng cho biết, tại Nghị định số 67/2023/NĐ-CP, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người hầu hết đã được nâng lên đáng kể (nâng từ 100 triệu đồng/1người/1vụ tai nạn lên 150 triệu đồng cho một người trong 1 vụ tai nạn).
Cụ thể như: Với dòng xe máy dưới 50cc: Phí bảo hiểm là 55.000 đồng, khi xảy ra tai nạn gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người thứ ba, số tiền bồi thường tối đa cho một người là 150 triệu đồng, gấp 2.727 lần so với số phí bảo hiểm.
Với dòng xe không kinh doanh vận tải 4 chỗ: Phí bảo hiểm là 437.000 đồng, khi xảy ra tai nạn gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người thứ ba, số tiền bồi thường tối đa cho môt người là 150 triệu đồng, gấp 437 lần so với số phí bảo hiểm.
Với dòng xe khách dưới 6 chỗ: Phí bảo hiểm là 756.000 đồng, khi xảy ra tai nạn gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người thứ ba, số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho một người trong một vụ tai nạn là 150 triệu đồng, gấp 198 lần so với số phí bảo hiểm.
Về mức bồi thường được quy định tại Nghị định số 67/2023/NĐ-CP được tính bằng tỷ lệ tổn thương nhân với 150 triệu đồng để thuận tiện cho việc tính toán thanh toán.
Có thể thấy, thực tế đa số chủ xe mô tô, xe máy có thu nhập không cao, với mức phí bảo hiểm 55.000 đồng/năm, khi không may gây tai nạn đối với người thứ ba về sức khỏe, tính mạng sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 150 triệu đồng; về tài sản sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 50 triệu đồng.
Đặc biệt, với quy định tạm ứng bồi thường bảo hiểm lên đến 105 triệu đồng trong vòng 3 ngày kể từ khi nhận được thông báo tai nạn sẽ cung cấp nguồn tài chính nhanh chóng, kịp thời cho chủ xe máy hỗ trợ nạn nhân, gia đình nạn nhân khắc phục thiệt hại.
Ngoài ra, trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm, không thuộc phạm vi bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm sẽ được Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới chi hỗ trợ nhân đạo đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng lên đến 45 triệu đồng.
Thủ tục bồi thường đơn giản, thuận tiện cho người bị nạn
Cũng theo Bộ trưởng, tại Nghị định số 67/2023/NĐ-CP, thủ tục bồi thường bảo hiểm đã được quy định đơn giản, vừa đảm bảo chi trả bảo hiểm nhanh gọn để vừa hỗ trợ người bị tai nạn, vừa đảm bảo hồ sơ, tài liệu, chứng từ hợp lệ về DNBH hạch toán chi phí.
Về cơ bản, chủ xe cơ giới chỉ cần cung cấp tài liệu như: Văn bản yêu cầu bồi thường; Tài liệu liên quan đến xe cơ giới, người lái xe; Trường hợp thiệt hại về người thì cung cấp hồ sơ bệnh án xác định tổn thương để làm căn cứ trả tiền. Trường hợp tử vong mới cần hồ sơ của cơ quan Công an; Trường hợp thiệt hại về tài sản thì cung cấp tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản để làm căn cứ bồi thường (hóa đơn sửa chữa, thay thế…).
Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, Nghị định số 67/2023/NĐ-CP quy định: các doanh nghiệp bảo hiểm đều phải thiết lập, duy trì các đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, hướng dẫn, giải đáp cho bên mua bảo hiểm các vấn đề liên quan tới bảo hiểm bắt buộc.
Bên cạnh đó, Nghị định số 67/2023/NĐ-CP cũng quy định về viêc số hóa đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện ghi âm cuộc gọi đến đường dây nóng, cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử; cung cấp, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới…
Như vậy, có thể nói, hành lang pháp lý đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã được các Bộ, Ban, Ngành quan tâm, xây dựng khá chi tiết. Trong quá trình triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trong thời gian qua đã đem lại nhiều giá trị nhân văn cho người dân.
Cũng theo Bộ Tài chính, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy và thậm chí có quốc gia áp dụng cả với xe đạp điện, bao gồm cả các nước phát triển có số lượng xe mô tô, xe máy thấp như Mỹ, EU hay các nước đang phát triển có số lượng lớn xe mô tô, xe máy tham gia giao thông như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan...
Để khắc phục những tồn tại và hạn chế trong quá trình triển khai loại hình bảo hiểm này, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.