Bảo hiểm xã hội TP.HCM công bố danh sách gần 1.000 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
979 doanh nghiệp nợ BHXH
Trong danh sách BHXH TP.HCM công bố, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội số tiền lớn nhất là hơn 38 tỷ đồng. Công ty nợ tiền BHXH của nhiều lao động nhất là Công ty TNHH Yujin Vina, nợ của 1.411 lao động, tổng số tiền trên 30,2 tỷ đồng. Công ty nợ BHXH kéo dài nhất là Công ty TNHH Thương mại cơ khí Tân Bình Minh với thời gian 161 tháng.
Ngoài ra, một số công ty lớn tại TP.HCM có thể kể đến như: Công ty CP Vận Tải Dầu khí Việt Nam, Công Ty CP Dệt may Gia Định, Công ty CP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn, Chi nhánh Công ty CP Anh ngữ Apax, Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, Công ty CP Dược phẩm Pha No…
Bên cạnh những đơn vị nợ suốt thời gian dài, không còn khả năng trả có thêm một số công ty lớn cũng chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM nợ tiền BHXH |
BHXH TPHCM đánh giá, những đơn vị trong danh sách này đã vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hàng vạn lao động, gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM nhận định, nguyên nhân chính do Covid-19 khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Chính phủ, hoạt động thanh tra của ngành bảo hiểm xã hội cũng tạm dừng, không kịp thời nhắc nhở, xử phạt cũng khiến nợ tăng lên.
Một trở ngại khác trong công tác thu hồi nợ bảo hiểm là việc xử lý đối với doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn chưa được cơ quan chức năng hướng dẫn rõ ràng. Nhiều công ty khi để nợ số tiền lớn thay địa điểm, đổi tên, sang nhượng cho người khác. Ngoài ra, một số đơn vị dù đã bị thanh tra nhiều lần nhưng vẫn chây ì, không khắc phục.
Ông cho biết, sắp tới, bảo hiểm sẽ tiến hành tăng cường công tác thanh tra các doanh nghiệp để nợ. Từ ngày 17/1, quy định xử phạt ở mức cao hơn đối với đơn vi chậm hoặc trốn đóng để đảm bảo quyền lợi ốm đau, thai sản, hưu trí cho người lao động ở những nơi để nợ bảo hiểm, cơ quan này cho phép doanh nghiệp tách riêng các trường hợp này ra để đóng trước.
Bảo hiểm xã hội TP HCM cũng đề nghị cơ quan công an xử lý hình sự một số đơn vị để nợ kéo dài, trốn đóng bảo hiểm làm ảnh hưởng nhiều lao động.
Hiện nay, quy định đóng bảo hiểm xã hội ở mức 30,5% lương cơ sở (cho quỹ hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bảo hiểm y tế...), trong đó phía doanh nghiệp đóng 20%, người lao động đóng 10,5%. Mức đóng bảo hiểm xã hội tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở (1,49 triệu đồng/tháng), tức là 29,8 triệu đồng. Khi doanh nghiệp chây ì, người lao động sẽ không được hưởng những quyền lợi trên.
Cần có giải pháp cụ thể xử lý tình trạng chậm, trốn đóng BHXH
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 1/2, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị 10 nhóm vấn đề lớn liên quan đến thể chế, chính sách có tác động lớn đến công nhân lao động (CNLĐ).
Cụ thể, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động (NLĐ), Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp báo cáo tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH của NLĐ, có giải pháp cụ thể xử lý con số hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, khiến họ không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu, để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các KCN-KCX; coi chăm lo phúc lợi xã hội về nhà ở cho CNLĐ là một yêu cầu cấp thiết cần được quy định thành chế định riêng trong luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bên cạnh huy động nguồn lực của doanh nghiệp, cần bố trí thêm ngân sách nhà nước để chăm lo về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao cho NLĐ tại các KCN-KCX; có cơ chế cho phép doanh nghiệp đông CNLĐ được phép mua hoặc thuê mua đối với các dự án nhà ở để cho chính CNLĐ của DN đó mua hoặc thuê mua, góp phần "an cư lạc nghiệp".
Muốn làm được, Công đoàn đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật, gồm: Luật Nhà ở (Điều 49, Điều 53, Điều 57, Điều 62, Điều 80, Điều 81), Luật kinh doanh bất động sản (Điều 10), Luật đất đai (Điều 54), Luật đầu tư công (Điều 5), Luật quản lý tài sản công (Điều 106)… theo các kiến nghị cụ thể do Tổng Liên đoàn đã gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành.
Trước mắt, trong khi chưa sửa đổi các luật, đề nghị Chính phủ giao Tổng Liên đoàn và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ đề xuất với Quốc hội ban hành nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho CNLĐ để giải quyết kịp thời các bức xúc hiện nay do các vướng mắc liên quan đến chồng chéo, khoảng trống của pháp luật…