Một dự án nhà ở cho người lao động. Ảnh minh họa: N.L. |
Thị trường trầm lắng khiến nhu cầu vay mua nhà giảm
Theo tường thuật của Cổng thông tin NHNN, tại hội nghị ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank cho biết, năm 2024 nhìn chung cơ chế dành cho tăng trưởng tín dụng của NHNN là rất thoáng, không có vướng mắc. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong tháng đầu năm giảm do khả năng phục hồi của nền kinh tế vẫn chậm. Thêm vào đó, nhiều dự án đầu tư cũ đang còn những vướng mắc, chưa được các địa phương giải quyết triệt để, tồn đọng nhiều năm nên không thể giải ngân vốn.
Còn ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, đến hết tháng 1/2024, dư nợ cho vay của ngân hàng giảm 2,3%, tương ứng khoảng 30.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong đó, tín dụng bán buôn giảm 19.000 tỷ đồng, còn tín dụng bán lẻ giảm 11.000 tỷ đồng.
Với mảng tín dụng bán lẻ, nguyên nhân cho vay giảm trong tháng 1 do xu hướng vay BĐS tiêu dùng suy giảm. Lý giải về điều này, ông Tùng giải thích, tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm, thị trường BĐS trầm lắng khiến nhu cầu vay mua nhà giảm. Số dự án mới được cấp phép cũng ít hơn, khiến nguồn cung hạn chế.
Ở khía cạnh bán buôn, vướng mắc pháp lý là vấn đề lớn với nhu cầu đầu tư, mở rộng của nhiều doanh nghiệp. Theo lãnh đạo Vietcombank, đơn vị đã phối hợp với khách hàng để tháo gỡ khó khăn, nhưng xử lý vướng mắc pháp lý cần nhiều thời gian.
Ngoài ra, trong bối cảnh này, doanh nghiệp cũng ngần ngại đầu tư mới, mở rộng kinh doanh dẫn tới giảm vay vốn. Một yếu tố đặc thù của Vietcombank là tỷ trọng dư nợ ngắn hạn bán buôn thường chiếm tỷ trọng lớn. Dư nợ cho vay thanh toán quốc tế có yếu tố thời vụ. Tâm lý chung của khách hàng là ngại vay nợ trong tháng đầu tiên của năm.
Tương tự Vietcombank, ông Trần Long – Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, dư nợ tín dụng của BIDV giảm 1,25% so với cuối năm trước, tương đương giảm 25.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Long, mức giảm này là thường thấy như những năm gần đây.
Đại diện BIDV cũng cho biết, trong những tháng đầu năm 2024, vốn tín dụng của BIDV tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên theo đề án của Chính phủ và của NHNN. Dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên mặc dù có giảm nhẹ so với cuối năm 2023 nhưng dư nợ trong lĩnh vực ưu tiên vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ.
Còn Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho rằng, hiện lãi suất cho vay đã giảm, song nhu cầu vốn của thị trường chưa cao. Do đó, lãi suất không còn là vấn đề đối với người đi vay trong bối cảnh hiện nay mà chủ yếu là làm thế nào để kích cầu được sức mua.
Bên cạnh đó, cho vay tiêu dùng sụt giảm mạnh, với 16 công ty tài chính tiêu dùng nhưng trong năm qua dư nợ cho vay giảm hơn 20%, kể cả Fe Credit cũng khó tránh giảm. Mặc dù cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song các ngân hàng cũng thận trọng cho vay để kiểm soát rủi ro nợ xấu, do đó không thể đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng, hiện room tín dụng không còn là vấn đề, dư địa cho vay nhiều nhưng quan trọng là ngân hàng phải kiếm được khách hàng tốt để cho vay, kể cả cho vay cá nhân. Ngân hàng tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là đối với tín dụng tiêu dùng.
Hiện đối với tín dụng tiêu dùng xuất hiện các hội nhóm bùng nợ trên mạng xã hội gia tăng, nhưng không có cơ quan quản lý nào xử lý, người vay chây ì trả nợ,... Do đó, các công ty tài chính không dám mạnh tay cho vay. Đây cũng là cơ hội để tín dụng "đen" len lỏi vào đời sống người dân và nguy cơ gia tăng.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà vay
Phát biểu tại hội nghị, đối với lĩnh vực BĐS, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục rà soát, phân loại các dự án BĐS để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với doanh nghiệp, dự án BĐS đủ điều kiện, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án BĐS đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thu nhập của người lao động.
Thứ hai, chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn về nhà ở.
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Chủ động cập nhật danh mục dự án nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện tham gia chương trình do UBND tỉnh, thành phố công bố.
Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai,...
Tháng 2, mua nhà vay ngân hàng nào để hưởng lãi suất tốt nhất? Nhiều ngân hàng đang tung mức lãi suất cho vay mua nhà hấp dẫn, dao động chỉ từ 6-7%/năm cho năm đầu tiên. Biên độ ... |
Yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh cho vay ngay từ những tháng đầu năm 2024 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những ... |
Hé lộ những ngân hàng có lãi trên 1 tỷ USD Dù đối mặt với nhiều khó khăn, trong năm 2023 vẫn có 7 ngân hàng đạt được lợi nhuận trước thuế trên 20.000 tỷ đồng. |