Yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh cho vay ngay từ những tháng đầu năm 2024
Xử nghiêm nếu ATM thiếu tiền; không chúc Tết, tặng quà lãnh đạo ngân hàng |
Ảnh minh hoạ. |
NHNN vừa có công văn số 1088/NHNN- CSTT về việc tăng trưởng tín dụng năm 2024 gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), các chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nội dung của công văn số 1088/NHNN- CSTT nêu rõ, ngày 31/12/2023, NHNN đã thông báo, giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để các TCTD chủ động, quyết liệt tăng trưởng tín dụng và triển khai các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây.
Do đó, NHNN yêu cầu các TCTD đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, NHNN yêu cầu các TCTD triển khai có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ được Thống đốc NHNN đề ra tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/01/2024 và Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 09/11/2023 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 (Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 và các Nghị quyết có liên quan).
Yêu cầu các TCTD quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Đồng thời yêu cầu các TCTD tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt qua các kênh bán hàng, sản phẩm, dịch vụ được số hóa.
Đặc biệt, các TCTD đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Chủ động và tích cực truyền thông kịp thời, rõ ràng, đầy đủ, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của TCTD để giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và qua đó góp phần thúc đẩy Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Các TCTD cũng cần tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức trao đổi, đối thoại với khách hàng vay vốn nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng có hiệu quả, thiết thực, thực chất, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Dự báo cho 6 tháng đầu năm và cả năm 2024, khoảng 70,3% - 73,3% TCTD dự kiến tiếp tục giữ nguyên hoặc nới nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình. Khoảng 12,9% TCTD dự kiến thắt chặt nhẹ tiêu chuẩn tín dụng. Trong đó, dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đối với tất cả các lĩnh vực ưu tiên và công nghiệp chế biến chế tạo, cho vay đầu tư ngành dịch vụ logistics và cho vay mua nhà để ở. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các TCTD dự kiến giữ ổn định các điều kiện và điều khoản cho vay tổng thể đối với khách hàng doanh nghiệp và nới lỏng hơn đối với khách hàng cá nhân. |
Lãi suất huy động liên tục đi xuống trong thời gian qua. |
Ngân hàng nào cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi nhất hiện nay? Lãi suất mua nhà hiện nay đã được đẩy xuống mức thấp kỷ lục, trong đó lãi suất thấp nhất chỉ còn 5,9%/năm. |