Cần có quy định rõ hơn về các khoản thu nhập để tính đóng bảo hiểm |
Việc doanh nghiệp tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung để không đóng bảo hiểm xã hội gây thiệt thòi cho người lao động. Vì mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn khoảng cách nhất định so với tiền lương thực tế của người lao động.
Nhiều doanh nghiệp tồn tại ba loại thu nhập, đó là thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, thu nhập để quyết toán và thu nhập thực tế. Trong đó, thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội luôn ở mức thấp nhất, bằng mức lương tối thiểu vùng cộng 7% đối với lao động đã qua đào tạo nghề và cộng thêm 3% hoặc 7% đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Đối với các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động; các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên, hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động; và các chế độ phúc lợi khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động (các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ…), thì không phải là căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất, Ban soạn thảo đề xuất quy định, người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (khu vực doanh nghiệp), thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Quy định này được cho là tiến bộ trong việc xác định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, góp phần cải thiện mức hưởng lương hưu sau này.