Chuyển giao bắt buộc với 2 ngân hàng OceanBank và CB cho MB và Vietcombank
4 ngân hàng TMCP sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém |
Chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là giải pháp cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu
Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi được chuyển giao bắt buộc, CB và OceanBank sẽ là các Ngân hàng thương mại TNHH MTV do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ.
Dưới sự quản lý của Vietcombank, MB trong vai trò chủ sở hữu đối với CB, OceanBank, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CB, OceanBank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật.
Lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc OceanBank cho MB và CB cho Vietcombank. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước |
Vietcombank, MB là ngân hàng thương mại hàng đầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và nền tảng vững chắc để tổ chức thực hiện thành công các phương án chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, với cơ chế được áp dụng theo các quy định của pháp luật, việc nhận chuyển giao bắt buộc cũng là cơ hội để VCB, MB mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, các ngân hàng nhận chuyển giao và được chuyển giao phải thực hiện đúng đề án đã được phê duyệt, tập trung tối đa nguồn lực đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề án đặt ra.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, Phó Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, xây dựng hiệu quả các công cụ điều hành về lãi suất, tỷ giá, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 15% của năm 2024, ổn định lãi suất cho vay, tăng cường kiểm tra giám sát, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh thanh toán số...
Chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Vấn đề này được các cấp có thẩm quyền quan tâm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan chỉ đạo các ngân hàng xây dựng Phương án chuyển giao bắt buộc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định của pháp luật.
Quyền lợi của người gửi tiền được đảm bảo trước, trong và sau khi chuyển giao bắt buộc
Trước đó, trao đổi tại cuộc họp báo thường kỳ Quý III/2024 của Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Đức Long - Phó Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước - cho biết, mục tiêu của chuyển giao bắt buộc là nhằm giúp các ngân hàng yếu kém khắc phục khó khăn, đảm bảo an toàn, tuân thủ các quy định pháp luật. Trước, trong và sau quá trình chuyển giao, tiền gửi của người gửi tiền hoàn toàn được đảm bảo.
Việc chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém (ngân hàng 0 đồng) là một biện pháp mạnh mẽ được các cơ quan quản lý áp dụng nhằm mục tiêu ổn định hệ thống ngân hàng và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, nhà đầu tư và nền kinh tế nói chung; giúp tiến hành tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng yếu kém và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra trong tương lai.
Quyền lợi của người gửi tiền sẽ được đảm bảo trước, trong và sau khi chuyển giao bắt buộc. Về quyền lợi của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, các ngân hàng này sẽ được hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết ngành ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị sẵn sàng tài liệu để tổ chức lễ chuyển giao hai ngân hàng 0 đồng. Hai ngân hàng còn lại, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện nhanh để báo cáo Thủ tướng. Hiện có 4 ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu và đang được kiểm soát đặc biệt gồm: Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank). Ngoài ra, còn có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Ngân hàng Nhà nước cũng đang tiến hành các thủ tục đánh giá toàn diện về thực trạng ngân hàng này để đề xuất phương án tái cơ cấu trình cấp có thẩm quyền. Đối với DongA Bank và các ngân hàng trong diện chuyển giao bắt buộc khác, các ngân hàng nhận chuyển giao đang thực hiện rà soát, lên phương án chuyển giao và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. |
Chính phủ giao NHNN tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém, hạn chế nợ xấu phát sinh mới Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trình Chính phủ ... |
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương trình phương án xử lý ngân hàng yếu kém, nhất là SCB Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, nhất là ngân hàng ... |
Bảo hiểm tiền gửi tham gia kiểm soát đặc biệt, xử lý các ngân hàng yếu kém ra sao? Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ... |