Tâm thế của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay là một điểm mà đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt ra trong phiên đầu tiên của hai ngày thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, sáng 27/10.
Phát biểu góp ý tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đồng tình với nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Làm sao để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá?
Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 toàn cầu chưa được kiểm soát có hiệu quả, với nhiều khó khăn song tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã phục hồi tích cực và đạt được những kết quả khá quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực, ước khả năng đạt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Việt Nam là một trong số các đất nước trên thế giới được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao việc phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tuy nhiên, theo ông Thông thực tế còn nhiều khó khăn thách thức, cần được giải quyết. Theo đó, một bộ phận người dân, nhất là nông dân, ngư dân ngay trong đại dịch đã khó khăn, tuy Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nay vẫn còn chưa thoát nghèo, thoát được khó khi giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào biến động lớn, thị trường nông sản bất ổn; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; cơ cấu một số tổ chức tín dụng còn yếu kém; lương cán bộ, công chức, viên chức còn thấp, xuất hiện tình trạng nghỉ việc với hơn 39.500 người trong hơn 2 năm.
Ông Thông đánh giá những khó khăn trên là những thách thức rất lớn cho thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 mà Chính phủ đưa ra là GDP đạt 6,5%.
Ngoài những bài học Chính phủ nêu ra trong báo cáo, vị đại biểu bổ sung thêm bài học về yếu tố con người. Từ thực tiễn năm 2022, để đạt mục tiêu đề ra cho năm 2023, ông đề nghị quan tâm đến tình trạng "bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm" của một bộ phận cán bộ, công chức, kể cả cán bộ quản lý.
"Có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử", ông Thông nói và cho biết nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên rất nhiều nhưng có hai nguyên nhân chính.
Một là, chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật đối với từng vấn đề. Có thể vấn đề này áp dụng luật này thì đúng nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì lại sai, áp dụng vào thời điểm này thì đúng nhưng sau đó kiểm tra thời điểm khác lại sai…
“Một trong những vấn đề dễ sai nhất là xác định giá đất, theo quy định hiện hành việc xác định giá đất hầu như bằng các yếu tố giả định nên không chính xác”, ông dẫn chứng và cho biết, hiện nay có nhiều dự án lớn tại các địa phương gặp vướng mắc do chưa xác định được giá đất để triển khai đầu tư.
Hai là, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá đã được Bộ Chính trị ban hành kết luận nhưng chủ trương đúng đắn đó lại chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật nên cán bộ rất ngại trong quá trình công tác, làm việc cầm chừng, không dám đột phá.
Ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương một mặt thường xuyên rà soát các cơ chế, chính sách nhằm điều chỉnh cho đồng bộ, phù hợp với thực tế. Mặt khác, sớm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bằng các văn bản pháp luật để áp dụng vào thực tế.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) - Ảnh: Quốc hội |
Còn do năng lực và ý thức trách nhiệm hạn chế?
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Hữu Thông về thực tế đang có nhiều cán bộ công chức còn đùn đẩy, né công việc. Tâm lý này ảnh hưởng rất lớn đến triển khai, thực hiện nhiệm vụ và phục vụ Nhân dân, tuy nhiên đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) tranh luận, nói nguyên nhân là do vướng mắc của chính sách pháp luật thì chưa đủ.
"Qua nghiên cứu, tìm hiểu thì thấy nguyên nhân chính do con người, do công tác tổ chức thực hiện, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ", ông Hạ cho biết.
Theo vị đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, đối với cán bộ có năng lực hạn chế thì đúng là vẫn có tình trạng sợ không dám thực hiện nhiệm vụ. Còn đối với một số cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần trách nhiệm còn hạn chế (không phải tất cả) và còn tình trạng nghe ngóng, né tránh.
Ngoài ra, còn một bộ phận cán bộ khi đặt câu hỏi: Luật Đất đai, Luật Đấu thầu đã có từ năm 2013 nhưng tại sao suốt quá trình này không vướng mắc như bây giờ? "Một số người trả lời thẳng thắn, bây giờ không dám làm và không muốn làm vì trước làm ẩu, thiếu trách nhiệm, nên bây giờ làm đúng sẽ phát sinh ra vấn đề trước đây đã làm, nên làm cầm chừng, hạn chế và không muốn làm", ông Hạ nêu thực tế khi tiếp xúc cử tri.
Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt xử lý thực tế nêu trên. "Thủ tướng rất quyết liệt, họp ngày họp đêm, nhưng với việc này phải có chấn chỉnh lại, càng sớm càng tốt, để làm sao không để ảnh hưởng tới chất lượng phục vụ nhân dân", ông Hạ nêu ý kiến.