Có những thủ tục trực tuyến giảm tới hơn 80% chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Đây kết quả đáng chú ý liên quan đến cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp tại Báo cáo vừa công bố về “Khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia (MCQG) và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành năm 2021”.
Ngày 3/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội nghị công bố kết quả khảo sát trên. Báo cáo công bố tại hội nghị là kết quả hợp tác tích cực trong một năm qua giữa VCCI và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), với sự hỗ trợ của USAID.
Theo nhóm nghiên cứu, đây là nỗ lực nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, cũng như giảm thiểu thời gian, chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Điều này sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam.
Cụ thể, cuộc khảo sát được thực hiện với 2 phần nội dung chính: Đối với nội dung khảo sát việc thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin MCQG, tính đến tháng 04/2022, có 12 thủ tục hành chính của 5 bộ, ngành đang được thực hiện. Đồng thời, việc thực hiện thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành được khảo sát chung với các thủ tục của 10 Bộ quản lý chuyên ngành.
Theo nhóm nghiên cứu, Báo cáo kết quả khảo sát đã phân tích các ưu, nhược điểm của Cơ chế MCQG, nêu ra các tồn tại, vướng mắc trong khâu thực hiện thủ tục của từng bộ, ngành liên quan trên Cổng thông tin một cửa cũng như các tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Qua các phân tích trên để từ đó đề xuất các giải pháp để khắc phục những tồn tại hạn chế trong quy trình thủ tục, phương pháp thực hiện để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp cũng như trong thời gian tới.
Toàn cảnh buổi hội nghị công bố báo cáo của VCCI và Tổng cục Hải quan. |
Cần thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Quang Phòng – Phó chủ tịch VCCI cho biết: Trong bối cảnh chịu tác động to lớn của dịch COVID-19 cùng những biến động khó lường của kinh tế - chính trị thế giới, song xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn là lĩnh vực có thành quả nổi bật của Việt Nam thời gian gần đây.
Ông Phòng dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 của Việt Nam đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, dự kiến cả năm có thể đạt trên 700 tỷ USD.
Theo ông Phòng, những con số này cho thấy nỗ lực vượt khó phi thường của các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, kết quả này cũng phản ánh những cố gắng to lớn của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và các bộ, ngành trong công tác cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.
"Báo cáo công bố ngày hôm nay cho thấy cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những cố gắng của các cơ quan nhà nước nói trên. Tổng hợp kết quả khảo sát của trên 3.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong năm 2022, báo cáo phản ánh nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây", Phó chủ tịch VCCI nói.
Theo ông Phòng, số đông các doanh nghiệp cho biết Cổng NSW được vận hành tương đối tốt. Trong đó, quá trình thực hiện thủ tục trực tuyến trên Cổng thuận lợi hơn; việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua NSW đã giúp giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng quan sát thấy những chuyển biến tích cực tương tự trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành…
Tuy nhiên, lãnh đạo VCCI nhìn nhận, kết quả khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp tiếp tục mong muốn các bộ, ngành có thêm nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả của Cổng NSW và đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả cơ chế MCQG và cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong thời gian tới, ông Phòng cho rằng các cơ quan nhà nước cần thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá và áp dụng số hoá triệt để để quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
"Việc sớm có quy chế kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng yêu cầu thông tin không cần thiết đối với các doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu", ông Hoàng Quang Phòng nêu góc nhìn.
Cũng tại hội nghị, ông Hoàng Việt Cường – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan bày tỏ kỳ rằng, qua báo cáo đo mức độ hài lòng này - các bộ, ngành và các bên liên quan có được một cái nhìn khách quan về thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc triển khai thủ tục hành chính của cơ quan mình tại NSW.
"Để từ đó, các cơ quan xác định được những tồn tại, vướng mắc mà có những giải pháp cải cách đột phát hơn nữa", ông Cường nói.
Đại diện USAID, ông Bradley Bessire, Quyền giám đốc USAID Việt Nam cho biết cơ quan này tin rằng đối thoại giữa các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng.
Theo đó, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với khu vực tư nhân sẽ mang lại sự minh bạch và các cải cách hiệu quả hơn. Nếu được thực hiện, các kết quả của cuộc Khảo sát sẽ giúp đẩy mạnh cải cách hơn nữa ngành Hải quan.
"Chúng ta cần phải chúc mừng cơ quan hải quan Việt Nam vì những cải cách này đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, thương nhân và nhà đầu tư kinh doanh tại Việt Nam", ông Bradley Bessire cho biết.
Ông Hoàng Việt Cường – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tại buổi công bố báo cáo. |
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi thực hiện các thủ tục của Bộ Y tế
Theo công bố, báo cáo trên đã tập hợp ý kiến, ghi nhận phản hồi của 3.048 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics...; và 46 bộ, ngành, cơ quan liên quan đến cơ chế MCQG và lĩnh vực quản lý kiểm tra chuyên ngành.
Tính đến ngày 17/10/2022, cơ chế MCQG đã có 250/261 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với gần 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55.000 doanh nghiệp.
Theo kết quả đánh giá, về mức độ thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin MCQG, có từ 45-81% doanh nghiệp cho biết dễ dàng thực hiện các thủ tục trên Cổng thông tin MCQG tùy theo từng lĩnh vực.
Trong đó, các thủ tục thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương nhận tỷ lệ đánh giá dễ/tương đối dễ thực hiện cao nhất.
Chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp cho rằng vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện những thủ tục của Bộ Y tế. Chẳng hạn, 55% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục “Cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế” trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, doanh nghiệp đã giảm được đáng kể thời gian và chi phí khi thực hiện các thủ tục qua cơ chế MCQG so với phương thức truyền thống. Trong đó, 10/12 thủ tục hành chính ghi nhận giảm chi phí khi làm thủ tục qua cơ chế MCQG so với khi tiến hành thủ tục theo phương thức truyền thống, với mức giảm chi phí trung bình 18-82%. Số giờ thực tế dành cho việc thực hiện các thủ tục giảm trung bình 26-54%.
Đáng chú ý, mức giảm chi phí nhiều nhất thuộc về các thủ tục “Cấp giấy phép xuất/nhập khẩu tiền chất công nghiệp”, ghi nhận giảm tới 82%; “Cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi C/O”, giảm 81%. Bên cạnh đó, thủ tục “Cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu” ghi nhận mức giảm tới 70%...