Đã có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận vốn đầu tư từ Việt Nam
Đã có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ đã nhận vốn đầu tư từ Việt Nam trong giai đoạn. Hình minh họa: BizLIVE |
Theo số liệu mới công bố từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong 9 tháng năm 2022, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt gần 398,3 triệu USD, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong giai đoạn, có 80 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt trên 347,3 triệu USD, tăng gấp 2,31 lần so với cùng kỳ.
Như vậy, so với thống kê ở tháng liền kề, đã có thêm 5 dự án của Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với số vốn tăng thêm khoảng 2,5 triệu USD.
Theo Bộ KH&ĐT, vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới 9 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ do có 05 dự án lớn mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là dự án CTCP giải pháp năng lượng Vines sang Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan với tổng vốn đầu tư mỗi dự án hơn 34,68 triệu USD.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn, đã có thêm 15 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm trên 50,9 triệu USD, bằng 12% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư điều chỉnh giảm mạnh do trong 9 tháng năm 2021 có nhiều dự án lớn điều chỉnh tăng vốn như dự án của Vingroup tại Hoa Kỳ điều chỉnh tăng 300 triệu USD; dự án Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và 01 dự án của Vinfast tại Đức tăng 32 triệu USD.
Riêng các doanh nghiệp có vốn nhà nước có 02 lượt dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 10,75 triệu USD, chiếm tỷ lệ nhỏ (2,7%) tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng.
Điểm đến công nghiệp chế biến, chế tạo
Theo thống kê, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 13 ngành, lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 11 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đạt trên 291,6 triệu USD, chiếm 55,2% tổng vốn đầu tư.
Ngành hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm đứng thứ hai với 04 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư trên 35,3 triệu USD, chiếm 8,9%. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn, bán lẻ; khai khoáng; nông, lâm nghiệp, thủy sản…
Sau 9 tháng, đã có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022. Như vậy, so với tháng liền kề, số lượng nước nhận được đầu tư từ Việt Nam không có thay đổi.
Theo đó, Lào tiếp tục là quốc gia dẫn đầu với 04 dự án mới và 03 dự án điều chỉnh vốn. Trong đó, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 66,42 triệu USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ hai là Singapore với tổng vốn đầu tư gần 41,5 triệu USD, chiếm gần 10,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan,…
Lũy kế đến ngày 20/9/2022, Việt Nam đã có 1.584 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam trên 21,6 tỷ USD. Trong đó, có 139 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,6 tỷ USD, chiếm 53,6% tổng vốn đầu tư cả nước.
Theo thống kê, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32,2%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,9%). Và các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,7%); Campuchia (13,6%);Venezuela (8,4%).