Đại biểu Quốc hội kỳ vọng triển khai nhanh những giải pháp cam kết tại phiên chất vấn
Đồng thời, các đại biểu Quốc hội hy vọng các giải pháp đã nêu qua chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được triển khai thực hiện khẩn trương, nhanh chóng, sớm tạo hiệu quả trong thực tế.
Như vậy, sau 2,5 ngày làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, sôi nổi trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó chủ tịch Quốc hội điều hành Phiên chất vấn |
CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN THẲNG THẮN, ĐÚNG TRỌNG TÂM
Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhấn mạnh, lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn và các Bộ trưởng trả lời chất vấn rất trúng với những vấn đề “nóng”, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương), nội dung các câu hỏi chất vấn của các ĐBQH đều đúng trọng tâm, ngắn gọn, rõ ràng, nêu bật vấn đề để các bộ trưởng, trưởng ngành xác định được trọng tâm trả lời. Đa số các câu hỏi chất vấn đều hướng đến những vướng mắc, những hạn chế của 4 lĩnh vực chất vấn để yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành đưa ra được những giải pháp cụ thể.
"Các bộ trưởng về cơ bản đã rất tích cực, thẳng thắn và trách nhiệm trong phần trả lời. Tôi đánh giá cao việc các bộ trưởng, trưởng ngành thừa nhận các hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong lĩnh vực mà mình phụ trách, nhận trách nhiệm và có các giải pháp cùng những cam kết rõ ràng trong việc chỉ đạo xử lý, giải quyết khắc phục những hạn chế trong thời gian tới. Không có sự vòng vo đổ lỗi, đổ trách nhiệm. Hầu hết các giải pháp mà các Bộ trưởng, trưởng ngành đưa ra đều mang tính khả thi", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá.
Quan tâm nhất đến lĩnh vực nội vụ, vị đại biểu này cho rằng, hiện nay đang có quá nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ gặp vướng mắc, cần phải có giải pháp ngay. Đây cũng là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước như vấn đề tinh giản biên chế sao cho vừa đạt được mục đích tinh gọn bộ máy, vừa đảm bảo số lượng người làm việc trong khu vực công, vừa khuyến khích, thu hút được nhân tài; vấn đề gần đây có nhiều công chức, viên chức rời bỏ khu vực công; sự bất cập trong thang bảng lương công chức, viên chức…
"Tôi đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Bộ trưởng luôn chủ động, nắm rất vững lĩnh vực mình phụ trách, đưa ra những giải pháp cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, Bộ trưởng luôn trả lời thẳng vào trọng tâm các câu hỏi”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Trong lĩnh vực xây dựng, đại biểu Nguyễn Hữu Đàn (tỉnh Quảng Trị) cho rằng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã khá thẳng thắn khi trả lời chất vấn của đại biểu. Nhiều câu hỏi liên quan tới thị trường bất động sản, về giá đất, việc xử lý những vấn đề tồn tại bất cập, vi phạm trong lĩnh vực đất đai, chậm di dời trụ sở các cơ quan, bộ ngành trong nội thành Thủ đô Hà Nội... đều là những vấn đề khó và dư luận xã hội rất quan tâm.
“Ngành xây dựng đã thể hiện rõ quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đề ra giải pháp xử lý dứt điểm, không né tránh và vòng vo. Nhiều luận điểm đưa ra khá xác đáng, đáp ứng được mối quan tâm của số đông đại biểu”, đại biểu Nguyễn Hữu Đàn đánh giá cao.
Nhận xét về nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho rằng, Bộ trưởng đã trả lời rất trách nhiệm, sâu sát, nắm kỹ các vấn đề nóng, bất cập hiện nay của Việt Nam trong việc hội nhập thế giới số, trong đó xây dựng, tạo lập nền tảng số để phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số và công dân số…
“Công tác tham mưu của Bộ Thông tin Truyền thông có nhiều đột phá tích cực đứng ở nhiều góc độ, nhiều phương diện, nhiều lĩnh vực khác nhau để đáp ứng nguyện vọng, cũng như nhu cầu của xã hội về công tác chuyển đổi số. Đặc biệt cũng đã đứng ở góc độ doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp có sự kết nối nhanh, kịp thời với chính quyền, với Nhà nước và người dân”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhìn nhận.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thẳng thắng nhìn nhận những tồn tại, khuyết điểm và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế về công tác quản lý nhà nước cũng như vai trò quản lý chuyên ngành.
Đánh giá về phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã theo dõi rất kỹ và trả lời được vấn đề trọng tâm nhất mà đại biểu quan tâm. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra những nội dung cơ bản, bao trùm nhiều lĩnh vực, những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đề cập nhiều trong các phiên thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường liên quan đến việc điều hành kinh tế vĩ mô.
“Thủ tướng đã thẳng thắn đặt ra vấn đề và nhận ra những vấn đề còn hạn chế, còn có khuyến điểm. Từ đó, có những giải pháp trong thời gian tới” đại biểu nhìn nhận.
KỲ VỌNG TRIỂN KHAI NHANH NHỮNG GIẢI PHÁP CAM KẾT
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương), thời gian tới, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, các địa phương, đơn vị sẽ tích cực, chủ động vào cuộc để “tiếp sóng” những giải pháp mang tính lâu dài, có lộ trình cụ thể như cải cách chế độ tiền lương, tiếp tục sắp xếp lại bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ…
“Bộ trưởng Bộ Nội vụ cần tiếp tục chỉ đạo, có những kế hoạch cụ thể gắn với từng thời điểm cụ thể để thực hiện thành công các giải pháp đã đưa ra”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga kỳ vọng.
Còn đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) mong mốn, những giải pháp trong lĩnh vực thanh tra mà Tổng Thanh tra Chính phủ nêu ra được thực hiện nhanh chóng, bởi nếu kéo dài quá lâu sẽ gây sự mệt mỏi cho đơn vị bị thanh tra.
“Sự chồng chéo, sự chậm chễ chưa dứt khoát được trong một số cuộc thanh tra và không ít cuộc thanh tra gây phiền hà đều này chưa tạo điều kiện cho các cơ quan và địa phương hoạt động. Tôi thấy bên lề của cuộc họp, các đại biểu vẫn mong muốn làm sao nhanh chóng giảm được các cuộc thanh tra chồng chéo và kéo dài”, đại biểu Trần Kim Yến nêu rõ.
Nhìn nhận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Kim Anh (tỉnh Bắc Ninh) cũng mong muốn, qua các cam kết của các bộ trưởng và các tư lệnh ngành sẽ biết được rõ những công việc phải làm, từ đó có các kế hoạch cách thức, phương thức đổi mới trong chỉ đạo điều hành nhằm thực hiện đúng lời hứa của mình trước cử chi, trước Quốc hội.
“Thông qua phiên chất vấn, các thành viên Chính phủ sẽ thấy được các công việc và nhiệm vụ của mình, từ đó thấy được những việc cần làm, thấy được trách nhiệm của mình phải thực hiện trong thời gian tới. Đồng thời, qua cách trả lời như vậy, sẽ giúp các cử chi, các ĐBQH sẽ tiếp tục giám sát các hoạt động của các thành viên Chính phủ trong thời gian tới tốt hơn”, đại biểu nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Kim Anh cũng nhấn mạnh, Quốc hội, ĐBQH cũng sẽ giám sát đến cùng các câu hỏi cũng như các giải pháp mà các vị bộ trưởng, trưởng ngành đã nêu trước Quốc hội, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát, giúp Bộ trưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý và tham mưu cho Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành.